Tin tức - pháp luật 2021-05-20 02:18:04

Sàn thương mại điện tử sắp để mất sân nhà


Thị trường thương mại điện tử trị giá hàng chục tỷ USD là miếng bánh ngon nhưng chỉ có một. Nếu không có hậu thuẫn lớn về tiềm lực kinh tế, công nghệ, doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị, đón đầu mới giành phần nhiều trong đó.

Nhiều sàn thương mại điện tử “chết yểu”

Cuối năm 2019, Adayroi tuyên bố đóng cửa, khép lại kỳ vọng thương mại điện tử (TMĐT) Việt cạnh tranh với các ông lớn. Điều này cũng cho thấy, nếu không thể khác biệt, doanh nghiệp khó cạnh tranh được trong cuộc chiến khốc liệt.


Adayroi đóng cửa từng để lại nhiều tiếc nuối. Ảnh: Kr.asia


Với sự hậu thuẫn và hệ sinh thái của Vingroup, Adayroi có nền tảng mạnh mẽ để phát triển. Trước khi tuyên bố đóng cửa vào tháng 12/2019, Adayroi thường xuyên nằm trong top các website TMĐT được nhiều người sử dụng. Sự ra đi của sàn TMĐT này cho thấy tiềm lực kinh tế chỉ là một yếu tố để cạnh tranh.

Không chỉ Adayroi, nhiều website TMĐT khác như Lotte.vn, Robins.vn, VuiVui cũng dừng bước khi nguồn lực không đủ để duy trì cho cuộc đua đốt tiền giành thị trường. Xa hơn nữa, “cái chết” của Beyeu.com, Deca.vn, Lingo.vn, Lamdieu.com, Foreva.vn, Zalora….đủ cho thấy, thị trường TMĐT cạnh tranh khốc liệt thế nào khi nhiều sàn “chết yểu” sau một thời gian ngắn.

Khi thông báo dừng hoạt động, đội ngũ phát triển Beyeu.com lúc đó cho biết: “TMĐT cần rất nhiều tiền. Nhiều doanh nghiệp sẽ quyết định dừng việc đốt tiền. Chúc may mắn cho những người đang cố gắng”. Đây được xem như lời cảnh báo rằng thị trường TMĐT không dành cho số đông.

Nhìn thấy tiềm năng thị trường sớm, nhưng nguồn lực doanh nghiệp không đủ lớn, nhất là khi người dùng Việt Nam ở thời điểm đó lại chưa có thói quen mua sắm trực tuyến đã khiến các sàn TMĐT này không thể cạnh tranh và phải rời bỏ thị trường khi không hái được quả ngọt.

Dù trong số các sàn TMĐT này có cả các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng cũng phải dừng hoạt động bởi không thể “gánh lỗ” trong một thời gian dài, đặc biệt là khi mô hình thiếu sáng tạo để gọi thêm tiền từ các nhà đầu tư.

Tiềm năng vươn lên giành thị trường

Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), năm 2020, TMĐT Việt có tốc độ tăng trưởng 15% trong năm 2020 và đạt doanh thu khoảng 13,2 tỷ USD. Google, Temasek và Bain & Company cũng dự báo, quy mô thị trường sẽ lớn hơn, đạt con số 52 tỷ USD vào năm 2025. Miếng bánh tiếp tục lớn dần nhưng vẫn gói gọn trong môt vài ông lớn.


Xếp hạng và lượt truy cập web giữa các trang TMĐT. Nguồn: iPrice Group


Báo cáo của iPrice Group và SimilarWeb cho thấy, Shopee liên tục dẫn đầu về lượt truy cập web lẫn thứ hạng ứng dụng trên các nền tảng Android, iOS và cách xa với phần còn lại. Năm 2020, Shopee thu hút 68,5 triệu truy cập web. Trong khi Sendo, Tiki và Lazada cộng lại mới đạt 54,2 triệu truy cập.

Cho đến nay, cục diện thị trường chưa có nhiều thay đổi, nhất là khi thương vụ M&A giữa Tiki và Sendo bị bỏ lỡ. Nhưng năm 2020 cũng chứng kiến việc cải thiện rõ rệt của các sàn TMĐT của Việt Nam. Cũng trong báo cáo nói trên của iPrice, trong top 10 sàn TMĐT có lượng truy cập cao nhất năm 2020 khu vực Đông Nam Á có tới 5 cái tên là các doanh nghiệp nội gồm: Thế giới di động, Tiki, Sendo, Bách Hoá Xanh và FPT Shop.

Thế giới di động giữ thứ hạng 5 trong các website có lượng truy cập cao nhất trong khu vực và là doanh nghiệp nội địa nằm ở vị trí thứ hai trong suốt cả năm 2020. Hai cái tên khác là Tiki và Sendo theo ngay sau. Bách Hoá Xanh và FPT Shop cũng vươn lên để góp mặt.

Dù cách biệt vẫn lớn, nhưng trong bối cảnh đại dịch, các doanh nghiệp nội địa đã thay đổi và vươn lên, trở thành điểm sáng khi thứ hạng được cải thiện đáng kể so với năm trước đó. Một số doanh nghiệp với mô hình không lớn nhưng cũng năng động và hiệu quả. 

VECOM đánh giá, trong khủng hoảng, doanh nghiệp trở nên năng động hơn trong việc ứng dụng công nghệ, thay đổi bộ máy tổ chức và hoạt động kinh doanh.

Thực tế cũng cho thấy, các doanh nghiệp nội đang trụ vững đều có mô hình kinh doanh linh hoạt, xác định được hướng đi riêng thay vì chỉ tập trung nguồn lực xây dựng các sàn TMĐT đa kênh. Điều này có được bởi không phụ thuộc vào công nghệ và nguồn vốn đầu tư nước ngoài, giúp họ xoay chuyển hoạt động để ứng phó linh hoạt với mọi thay đổi lớn, nhỏ của thị trường.

Một số doanh nghiệp cũng đi vào các thị trường ngách, phục vụ các mặt hàng vốn là thế mạnh của thị trường Việt Nam; len lỏi đến các thị trường nông thôn, tỉnh lẻ, thậm chí vùng sâu vùng xa để mở rộng thị trường và đối tượng phục vụ.

Giải bài toán quốc gia là hướng đi của thương mại điện tử Việt Nam

 


Sàn TMĐT nào giải được bài toán quốc gia, sẽ có thể vươn lên. Ảnh: Duy Vũ


Trong các bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhiều lần nhấn mạnh, các doanh nghiệp Việt phải làm chủ công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết các bài toán Việt Nam, từ đó vươn ra thế giới.

Trong lĩnh vực TMĐT, thị trường màu mỡ nhưng vẫn chỉ tập trung tại hai trung tâm là Hà Nội và TP.HCM trong khi bà con ở các vùng sâu, xa phần lớn chưa thể tiếp cận với kênh mua/bán thuận tiện này dù tiềm năng còn lớn. Đây có thể là mảnh đất để các doanh nghiệp Việt Nam khai phá.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng từng cho rằng, khi mở chiếc iPad là thấy cả một siêu thị đi vào nhà mình. Siêu thị đã về đến từng hộ gia đình. Ai có thể mang hàng đến và đi tới từng hộ gia đình này thì người đó sở hữu một chuỗi 24 triệu siêu thị. 

Ngành TT&TT cũng định hướng hạ tầng bưu chính chuyển đổi từ chuyển phát thư báo thành hạ tầng của dòng chảy vật chất phục vụ cho nền kinh tế số. Bên cạnh dòng chảy dữ liệu, hạ tầng bưu chính sẽ trở thành một huyết mạch của thương mại điện tử.

Trong Chỉ thị phát động Cuộc vận động ứng dụng công nghệ Việt cho cuộc sống số, Bộ TT&TT cũng vận động phát triển các nền tảng hỗ trợ giao vận hàng hóa trong hoạt động thương mại điện tử. Trước mắt, ưu tiên phát triển các nền tảng, ứng dụng, dịch vụ hỗ trợ việc vận chuyển hàng hóa từ nơi cung ứng đến nơi tiêu dùng qua các giao dịch thương mại điện tử.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tháng 7/2020, Bộ TT&TT đã ra mắt Nền tảng mã bưu chính quốc gia (Vpostcode) giúp số hóa, định vị chính xác vị trí địa chỉ của người dùng dịch vụ bưu chính. Đây là lời giải cho bài toán nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm chi phí và tăng cường tính cạnh tranh, thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử.

Định hướng đã có, các giải pháp, nền tảng hỗ trợ cũng đã được giới thiệu, điều cần của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là phải sớm tận dụng được lợi thế, nhanh nhạy chuyển đổi, ứng dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ; đồng thời tập trung vào nguồn nhân lực như một yếu tố để duy trì hoạt động và tạo sức bật cạnh tranh để không chỉ giành lại thị trường từ tay các đối thủ ngoại mà còn vươn tầm thế giới.

Duy Vũ - Vietnamnet
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)