Tin tức - pháp luật 2012-07-19 02:23:55

Hòa Bình: Góa phụ 10 năm làm dâu vẫn là trinh nữ


Trong gia đình 6 người ở bản Mường ấy thì có đến 2 người góa phụ. Xót xa thay, trong đó có một góa phụ 10 năm làm dâu mà vẫn là trinh nữ. Ngày ngày ra ruộng, lên nương, đêm về, người dâu cả ấy lại chăm lo, nâng giấc mẹ chồng và những đứa em chồng.



Cuộc kháng chiến ái quốc vĩ đại của dân tộc ta kết thúc đã hơn 35 năm. Cùng với độ lùi thời gian, chúng ta lại thấy thêm những hy sinh sâu thẳm, những giá trị bất tử của những con người bình dị, góp phần làm nên bản hùng ca bất diệt cho muôn đời con cháu mai sau.

Năm 1962, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta bắt đầu bước vào giai đoạn khốc liệt. Tại bản Rộc, xã Nật Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình diễn ra một đám cưới của đôi trai gái Mường Động.

Có thể, đám cưới ấy không phải là độc nhất vô nhị thời đó, nhưng phải nói là hiếm. Và, chỉ thông qua đám cưới ấy cũng đủ để góp phần phản ánh đa chiều tính chất cuộc chiến tranh nhân dân vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

Bùi Đức Chảy sinh 1942, là người dân tộc Mường ở xã Nật Sơn – một căn cứ cách mạng của núi rừng Hòa Bình trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Bố Chảy mất sớm để lại mẹ là Bùi Thị Ẩm đau yếu và 4 anh em, trong đó Chẩy là anh cả, Bùi Văn Kịch là em út mới 4 tuổi.

Năm 1962, vừa tròn 20 tuổi, đang là học sinh trường Thanh niên lao động xã hội chủ nghĩa Hòa Bình, Chảy xung phong lên đường tòng quân giết giặc.




Bà Bùi Thị Hiển bên chồng




Để yên lòng người trai nơi chinh chiến, cuối năm ấy, Bùi Thị Hiển 19 tuổi - cô gái Mường cùng xóm đã đồng ý để hai gia đình làm đám cưới khi chú rể đang ở mặt trận. Thế rồi người con gái ấy trở thành dâu cả và trụ cột trong gia đình nhà chồng.

Tháng 2/1963, thông qua một người đồng ngũ với Chẩy, Hiển và gia đình được tin “sét đánh” – Chẩy đã anh dũng hy sinh cách đó một tháng tại một trận địa pháo cao xạ trên đất Quảng Bình.

Thời chiến, tất cả các thông tin đều phải đợi đơn vị gửi về, và chỉ khi nào địa phương tổ chức Lễ truy điệu thì cái sự hy sinh ấy mới là sự thật. Thời gian sống trong đợi chờ, dù chỉ là đợi chờ một tin báo buồn thương mà bao niềm phấp phỏng.

Ngày tháng cứ đằng đẵng trôi qua. Nhiều khi mải lo việc gia đình, việc hậu phương, Hiển tạm quên cái tin Chẩy đã hy sinh. Lại cũng nhiều lúc nhớ cái tin buồn đau ấy, nhưng chị lại hy vọng cái tin ấy không chính xác. Thời chiến, sự nhầm lẫn có thể xảy ra lắm chứ!

Mãi cho đến 1970, giấy báo tử liệt sỹ Bùi Đăng Chẩy mới chính thức gửi về địa phương. Lễ truy điệu được tổ chức trọng thể. Từ đây, bản Rộc chính thức có thêm một gia đình liệt sỹ, một mẹ liệt sỹ, một vợ liệt sỹ và 3 người em liệt sỹ.

Thế là, trong cái gia đình 6 người ở bản Mường ấy thì có đến 2 người góa phụ. Xót xa thay, trong đó có một góa phụ mà vẫn là trinh nữ. Ngày ngày ra ruộng, lên nương, đêm về, người dâu cả ấy lại chăm lo, nâng giấc mẹ chồng và những đứa em chồng.

Trong những năm tháng chiến tranh, đời sống của người dân nói chung còn thiếu thốn, miền núi càng thiếu, ở cái vùng sâu Nật Sơn thì lại càng nghèo khổ.

Nhưng, bằng với tình thương yêu giữa con người với con người, lại được tinh thần “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”…người dâu cả chưa được một lần làm vợ thực sự ấy đã vượt lên tất cả để liên tục được bình bầu danh hiệu “Phụ nữ ba đảm đang”.

Là góa phụ, nhưng bà Bùi Thị Ẩm thì đã được làm vợ, làm mẹ của 4 đứa con nên còn niềm động viên an ủi. Nhưng, Hiển – con dâu bà thì vẫn là gái son. Cứ nghĩ đến đấy, bà Ẩm lại xót xa nuốt tiếng thở dài và tránh đi ánh mắt người con dâu hiếu thảo.

Không ít lần bà mạnh bạo động viên con dâu, bây giờ đã như con gái của bà, hãy đi lấy chồng. Bà cũng chủ động tìm người, mai mối… nhưng Hiển lại thương mẹ chồng yếu đau, vất vả, thương em chồng đang tuổi ăn, tuổi học, nên một mực xin “mẹ cho con ở với mẹ, với các em”.

Thời gian không ngừng trôi. Nỗi đau mất con trai có thể nguôi ngoai theo năm tháng, nhưng tình thương và sự hoang mang cho thân phận đứa con dâu chưa một ngày được làm vợ cứ lớn dần trong người đàn bà nhân hậu.

Đã không ít lần, bà Ẩm “van lạy” con dâu, có thương mẹ thì hãy đi lấy chồng. Tháng 5/1971, có một anh cán bộ lương thực tên là Bùi Văn Bính về xã Nật Sơn làm công tác thu thuế nông nghiệp. (Trước đây một thời gian dài, thuế nông nghiệp thu trực tiếp bằng lương thực).

Anh cán bộ ngành Lương thực ấy quê ở xã Kim Bình – Kim Bôi lại chính là bạn học cùng lớp, cùng trường Thanh niên lao động Xã hội chủ nghĩa Hòa Bình với Chẩy và cũng sinh năm 1942 như Chẩy.

Ngay lần đầu tiên Bính đến thăm nhà, khi biết anh vẫn chưa lấy vợ, mắt mẹ Ẩm sáng lên như bắt gặp cơ may. Hình ảnh đứa con trai hiện diện kèm theo một tia sáng lóe lên trong bà về con đường tìm chồng cho người dâu cả vô cùng thương yêu của mình.

Thời ấy, cán bộ phong trào thường “ba cùng” với nhân dân. Chẳng bao lâu người cán bộ lương thực ấy đã trở nên thân thiết với bà con Nật Sơn. Hơn nữa, Bính cũng là người Mường nên sự thân thiết ấy càng nhanh chóng.

Sau nhiều lần gặp gỡ, mẹ Ẩm coi anh như con trai. Lần nào cũng vậy, chuyện xa, chuyện gần gì thì cũng đến chuyện lấy vợ cho anh bộ đội chuyển ngành.

Năm 1963, vừa học hết lớp 7/10 thì Bính lên đường nhập ngũ. Sau huấn luyện, anh hành quân sang chiến đấu trên đất bạn Lào. Sau 6 năm trong quân ngũ ở chiến trường nước bạn, Chuẩn úy Bùi Văn Bính được chuyển ngành về phòng Lương thực huyện Kim Bôi.

Huyện lỵ Kim Bôi đứng chân ngay trên đất quê hương Kim Bình của anh. Là cán bộ huyện, nếu anh lấy vợ cùng công tác trên huyện hay làm ruộng tại quê thì cũng đều là ở gần nhà. Không biết trời se duyên hay sự linh thiêng của “thằng bạn liệt sỹ” đã đưa anh về Nật Sơn, về với mẹ Ẩm.

Bây giờ, đã tuổi “Xưa nay hiếm” ông Bính còn xúc động kể, không ít lần mẹ Ẩm khóc và nói với ông: “Con thương mẹ với, thương thằng Chẩy với, hãy lấy con dâu mẹ - vợ của bạn con làm vợ, rồi ở đây với mẹ luôn. Hiển nó mang tiếng làm vợ ngần ấy năm mà vẫn là con gái đấy!”.

Thanh niên miền núi, ở thời ấy, trên 30 tuổi mà chưa lấy vợ như Bính là hiếm. Nhưng lấy ai? Chả nhẽ mình trên 30 lại đi lấy người chỉ kém mình có 1 tuổi ư? Điều ấy cứ như những con sóng rối lên trong tâm tư của Bính.

Nhưng trước tình thương đối với người mẹ, người đồng đội đã hy sinh, người con gái gần 10 năm lấy chồng mà chưa một ngày làm vợ, Bính quyết định đi đến hôn nhân với Hiển. Chỉ có điều, khi đã lấy nhau rồi thì vợ chồng anh không thể ở cùng nhà với mẹ Ẩm và các em được. Vì theo anh: “Cả hai người, đều là khách”.

Về phía Bùi Thị Hiển, sau gần 10 năm trời làm con mẹ Ẩm, làm chị của 3 đứa em, tình cảm ấy sâu nặng lắm. Trong thâm tâm, chị không muốn rời xa cái gia đình ấy. Nhưng do những tác động của gia đình ba bên, Hiển nhận lời lấy Bính.

Từ khi có ý định đi bước nữa, những lần mang đồ ra suối giặt, thỉnh thoảng Hiển lại phơi một cái áo, có khi là một cái váy, một chiếc chăn của mình bên nhà mẹ đẻ rồi để lại bên đó.

Làm như thế, chính là chị không muốn tạo ra một sự hẫng hụt trong lòng mẹ Ẩm, các em chồng và cũng chính ngay trong cả con người của chị.

Đầu năm 1973, đám cưới Bính, Hiển được tổ chức trong tình cảm thân thương của ba gia đình và bà con làng bản. Trong đó, người hân hoan nhất, hạnh phúc nhất lại chính là mẹ Ẩm. Mẹ hạnh phúc vì đã tìm được hạnh phúc cho người con dâu chịu nhiều thiệt thòi của mình.

Từ ngày con dâu đi lấy chồng, mẹ Ẩm như khỏe ra, trẻ lại. Tuy vợ chồng Bính, Hiển không ở cùng nhà với mẹ, nhưng Bính đã ở lại làm rể Nật Sơn. Họ hàng, gia đình liệt sỹ Bùi Đăng Chẩy coi họ như thành viên trong gia đình, họ tộc. Sớm, tối họ thường xuyên qua lại chăm lo cho mẹ Ẩm.

Cuối năm ấy, khi đứa con gái đầu lòng của Bính Hiển ra đời, chính mẹ Ẩm đặt tên cho nó là Nghĩa, Bùi Tình Nghĩa. Từ đó, mẹ Ẩm vừa là bà nội, vừa là bà ngoại lần lượt cho 4 đứa con của vợ chồng Bính - Hiển.

Nếu bạn có dịp về quê hương Nật Sơn, bắt đầu từ cổng làng, trên mé đồi phía bên phải hiện nay là một dãy 4 gia đình ở liền nhau:

Bùi Văn Bính, Bùi Thị Phiến, Bùi Văn Bội và Bùi Văn Kịch. Kịch – đứa em út, khi chị Hiển về làm dâu mới 3 tuổi và thường được chị dâu chăm bẵm, nay cũng đã là một sỹ quan Công an nghỉ hưu được vài năm.

Từng là đồng nghiệp với nhau, Bùi Văn Kịch tâm sự thương anh chị cả lắm (anh em Kịch coi vợ chồng ông bà Bính, Hiển là cả trong gia đình). Sớm lửa, tối đèn họ đều có nhau. Nhưng điều này thì chính ông Bính thổ lộ với tôi:

“Ngay cái nhà sàn vợ chồng tôi và các cháu đang ở cũng là do chú Kịch giúp tiền mới làm được đấy”. Nói chung thì bà con Nật Sơn còn nghèo, nhưng tình nghĩa bà con với nhau thì không thể nghèo và không bao giờ nghèo túng.

Tôi hỏi ra mới biết bà Bùi Thị Hiển khi đó cũng đã gần 70 tuổi, làm vợ liệt sỹ, trực tiếp chăm lo mẹ liệt sỹ và gia đình liệt sỹ cả chục năm trời mà nay không có sự ghi nhận nào. Chiều 23/12/2008, tôi ở nhà bà Hiển về lại thành phố Hòa Bình.

Ngày hôm sau, đúng vào ngày Lễ Giáng sinh (điều này cũng là trùng hợp ngẫu nhiên), tôi đến Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình. Tiếp tôi là ông Nguyễn Xuân Dũng khi đó là phó Giám đốc sở (nay ông đã là Giám đốc) và các ông trưởng, phó phòng Chính sách Thương binh và Xã hội.

Sau khi nghe tôi trình bày trường hợp bà Bùi Thị Hiển – vợ liệt sỹ Bùi Đăng Chảy, ông Dũng nói:

“Anh không phải ruột rà, máu mủ với bà Hiển, không phải người liên quan đến công việc này mà chỉ là người viết báo. Gặp sự việc đáng quan tâm, anh tìm ngay đến đây. Chúng tôi xin ghi nhận và xem xét để vận dụng, thực hiện chính sách “Vợ liệt sỹ tái giá” đối với bà Bùi Thị Hiển”.

Nghe lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình cho ý kiến như vậy, tôi mừng rơi nước mắt. Đấy, chính là món quà Giáng sinh vô giá đối với tôi!

Sau đó, tôi cùng gia đình và địa phương hoàn chỉnh hồ sơ theo hướng dẫn và ngày 04/02/2009, bà Bùi Thị Hiển chính thức nhận Quyết định số 36/QĐ-LĐTBXH của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình về việc trợ cấp tiền tuất đối với vợ liệt sỹ tái giá trong nỗi niềm cảm động của gia đình và bà con người Mường Rộc xã Nật Sơn.

Lê Va

Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)