Sức khoẻ 2010-09-01 13:15:03

Hai người chết vì lây bệnh từ lợn


Cả hai bệnh nhân Nguyễn Đăng Đoàn (huyện Phú Vang, Huế) và Lê Văn Xoan (Quảng Trị) bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn, được gia đình xin rời Bệnh viện Trung ương Huế về nhà, đã qua đời hôm 31/8 vì bệnh quá nặng.


Vào Bệnh viện Trung ương Huế, ông Đoàn trong tình trạng nguy kịch với các triệu chứng suy đa phủ tạng, nhiễm trùng đường ruột, xuất huyết ngoài da… Bệnh nhân cho biết có ăn món thịt lợn trong đám giỗ hôm 27/8, về nhà bị đau bụng, sốt cao nên phải nhập viện. Kết quả xét nghiệm cho thấy ông Đoàn bị nhiễm vi khuẩn liên cầu lợn.




Sau mấy ngày điều trị ở bệnh viện mà bệnh tình không thuyên giảm, gia đình xin đưa ông Đoàn về nhà sáng 31/8. Cùng ngày, bệnh nhân qua đời tại nhà.





Bệnh nhân Lê Văn Xoan cũng nhập viện trong tình trạng nguy kịch với kết quả xét nghiệm nhiễm liên cầu lợn. Ông này trước đó có ăn lòng lợn, tiết canh. Ngày 29/8, người nhà bệnh nhân xin đưa ông về quê chờ chết do bệnh quá nặng. UBND xã Triệu Vân, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, xác nhận, ông Xoan đã tử vong hôm 30/8.

Bệnh nhân mắc liên cầu lợn điều trị ở Khoa hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Huế. Ảnh: T.A.
Từ tháng 4 đến nay, Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế đã tiếp nhận 55 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn, trong đó có 32 người của tỉnh, còn lại từ các địa phương khác ở miền Trung. Ít nhất 10 người đã tử vong hoặc xin về nhà chịu chết.




Theo ông Dương Văn Sinh, Trưởng Khoa Cấp cứu hồi sức Bệnh viện Trung ương Huế, cùng kỳ năm trước mỗi tháng chỉ có 1-2 ca nhiễm liên cầu lợn nhập viện, nhưng năm nay số ca tăng gấp nhiều lần. 14 người vào viện trong tháng 4 và tháng 5, tháng 6 có 6 bệnh nhân, tháng 7 tăng lên 9 và tháng 8 có 12 ca.





Điểm chung của những bệnh nhân bị vi khuẩn liên cầu lợn, theo hồ sơ bệnh án, đều có ăn thực phẩm chế biến từ thịt lợn nhiễm bệnh.





Sở Y tế Thừa Thiên - Huế chưa có ý kiến về vấn đề này. Hiện Thừa Thiên - Huế chưa công bố dịch lợn tai xanh trên địa bàn, trong khi đã có hàng nghìn con lợn chết với triệu chứng của bệnh tai xanh tại thị xã Hương Thủy và huyện Hương Trà. Nhiều người dân tiếc của, bán đổ bán tháo lợn bệnh để kiếm tiền bù lỗ.





Một bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nguy kịch với các triệu chứng suy đa phủ tạng, xuất huyết ngoài da… Ảnh: T.A.
Theo các bác sĩ, liên cầu lợn là bệnh nhiễm khuẩn, lây từ súc vật sang người. Bình thường, những con lợn đều mang loại liên cầu này ở trong họng và đường hô hấp trên. Khi lợn mắc bệnh, nhất là bệnh tai xanh, hệ miễn dịch suy giảm, liên cầu lợn sẽ có cơ hội tấn công cá thể. Người tiếp xúc với con lợn bị ốm do liên cầu lợn sẽ bị lây qua các vết thương hở trên cơ thể. Nếu bệnh nhân không được chữa trị kịp thời có thể gây nhiễm trùng máu, viêm màng não, viêm khớp, viêm phổi, để lại những di chứng nặng nề như điếc. Những trường hợp nặng, bệnh nhân nhiễm trùng máu mà không được xử lý kịp thời, có thể sốc nhiễm khuẩn và tử vong.




Trong khi đó, theo báo cáo về công tác y tế trong 2 tháng gần đây nhất (tính đến ngày 20/8) gửi lên Văn phòng Chính Phủ, Bộ Y tế không hề nhắc đến tình hình dịch bệnh liên cầu lợn.





haizzz lòng lợn, tiết canh 3ahh3 3ahh3 3ahh3 3ahh3 3ahh3 3ahh3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)