Tin tức - pháp luật 2012-02-27 06:54:27

Đặc công nước


Dù đã chuẩn bị tâm lý, chúng tôi vẫn ngộp thở khi trải nghiệm bài luyện tập của lính đặc công nước.



Chuẩn bị vượt sông - Ảnh: Hải Đăng




Dẫn chúng tôi ra thao trường nước, đại tá Đoàn Văn Mạnh, Chính ủy Đoàn đặc công Hải quân 126, chỉ tay về phía mô hình cầu cảng, nhà giàn nói: “Chúng tôi lấy phương châm chiến đấu ở đâu sẽ tập luyện ở đó, nên sau khi huấn luyện tại thao trường mô phỏng các chiến sĩ sẽ được đưa ra đảo Bạch Long Vĩ, quần đảo Trường Sa để rèn luyện môi trường thực tế”.

Lần chúng tôi đến thao trường là giữa mùa đông năm 2011, gió thổi ù ù, cái rét làm khô héo những cây cỏ lau bên bờ sông Giá (Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng). Thiếu tá Ngô Xuân Ngũ, Đội trưởng đội 5, đoàn 126 đang hướng dẫn các chiến sĩ luyện tập bài “thả ống”. Vừa nghe hiệu lệnh “xuất phát”, hàng chục chiến sĩ thoăn thoắt lao xuống dòng nước lạnh. Chúng tôi căng mắt nhìn kỹ hai bên bờ sông mà không thấy chiến sĩ nào nhô lên khỏi mặt nước. “Họ đâu rồi?”, chúng tôi hỏi khi hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Chỉ tay về phía những đám bèo tây xa xa, thiếu tá Ngũ đưa chúng tôi chiếc ống nhòm: “Nhà báo cố nhìn kỹ ở đám bèo kia, sẽ có một vài ống thở nhỏ xíu nhô trên mặt nước, đó là nơi các chiến sĩ đang thả trôi theo đám bèo, cách mặt nước khoảng 30 cm”.

Sau 15 phút, các chiến sĩ đã hoàn thành bài tập tiếp cận mô hình nhà giàn trên sông Giá. Rẽ đám bèo tây bước lên bờ, chiến sĩ Trần Văn Tuân (19 tuổi, quê Hải Hậu, Nam Định) vẫn bình thản: “Tập luyện thế này với chúng em vẫn là nhẹ, nhiều đêm trời lạnh dưới 10 độ C, chúng em vẫn xuống nước bơi xa vài cây số”.

Bài học sinh tồn

Đứng bên cạnh Tuân, đại tá Nguyễn Đình Huấn, Đoàn trưởng đoàn 126, xác nhận những bài tập trên chỉ đơn giản như bài tập thể dục buổi sáng. Gian nan nhất chính là bài “sinh sống trôi dạt trên biển”. Theo đại tá Huấn, “vào mùa đông lạnh giá, sóng biển cấp 3, cấp 4, các chiến sĩ sẽ được tàu đưa ra vùng đảo Bạch Long Vĩ hay quần đảo Trường Sa và thả xuống biển. Họ phải lênh đênh trên phao, tự sinh tồn, tìm đường về vị trí tập kết sau 1-2 ngày. Thậm chí, nhiều lần cả đội sẽ nhảy dù xuống một khu rừng hoang vắng, mỗi người phải tự tìm thức ăn, nước uống để sinh tồn và tìm ra vị trí tập kết”.



Nhiều khi ra đảo tập luyện, kể cả khi đối mặt với tàu thuyền của đối phương hay những hiểm nguy dưới nước, anh em vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng em luôn tự nhủ dù bản thân có hy sinh nhưng vùng biển đảo của Tổ quốc phải được bảo vệ vẹn toàn.

Nguyễn Văn Thịnh, quê Quảng Ninh



Với nhiều chiến sĩ, bài tập mà họ “ngán” nhất là vùi mình trong cát nóng. Chiến sĩ Bùi Văn Mùi, 19 tuổi, quê Quảng Ninh nhún vai: “Là dân đặc công nước nên sóng gió, lạnh lẽo tụi em không sợ, nhưng anh nào cũng ngán bài vùi mình trong cát. Trời mùa hè có khi 39-40 độ, chúng em phải ra cồn cát đào hố, vùi mình xuống chỉ hở lỗ mũi và đôi mắt. Ở ngoài đó cả ngày, khi về da người nào cũng đỏ như con tôm luộc”.

Dù tập luyện gian khổ, nhưng tất cả những người lính trẻ đều tự hào khi được trở thành người lính đặc công tinh nhuệ. Nguyễn Văn Thịnh, quê Quảng Ninh, thật thà: “Khi vào lính em còn chưa biết bơi, nhưng bây giờ em có thể sống cả ngày dưới nước. Chúng em tự hào vì được về công tác tại đơn vị đặc công 126 anh hùng. Nhiều khi ra đảo tập luyện, kể cả khi đối mặt với tàu thuyền của đối phương hay những hiểm nguy dưới nước, anh em vẫn luôn quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chúng em luôn tự nhủ dù bản thân có hy sinh nhưng vùng biển đảo của Tổ quốc phải được bảo vệ vẹn toàn”.

Thử sức trong buồng tăng áp

Kể về quá trình tuyển chọn các chiến sĩ đặc công nước, đại úy Hoàng Văn Vĩnh, đội trưởng đội 4, đoàn 126, hào hứng: “Để có được chiến sĩ đặc công nước tinh nhuệ, chúng tôi phải chọn lọc trong hàng ngàn tân binh lấy vài chục người. Ngoài những yêu cầu về huyết áp, tim mạch…, các chiến sĩ còn phải chịu áp lực trong buồng tăng áp, chiến sĩ nào chịu áp lực tốt mới được tuyển”.

Chúng tôi tò mò muốn được thử sức trong buồng tăng áp. Đại úy Vĩnh dẫn đến một khu vực đặc biệt, có buồng tăng giảm áp hiện đại. Đây là nơi kiểm tra sức khỏe của người nhái trước khi lặn hoặc tuyển chọn đặc công người nhái từ các tân binh.

Dùng bèo tây để ẩn mình tiếp cận mục tiêu - Ảnh: Hải Đăng


Thấy các chiến sĩ vừa nói vừa cười bước ra từ buồng tăng áp, chúng tôi cũng đánh liều xin thử làm lính đặc công. Đại úy Vĩnh cho một cậu lính trẻ vào kèm chúng tôi trong buồng tăng giảm áp và nói: “Khi nào cảm thấy không chịu được thì nhà báo bấm nút bên trong nhé”. Vừa ngồi vào trong buồng, chúng tôi thấy tiếng hơi xì xì dồn vào, rồi một sức ép dần dần tăng lên ở tai, lồng ngực. Cố chịu thêm vài phút, nhưng cảm giác như lồng ngực ép lại không thể thở được, và rồi chúng tôi vội vàng ấn nút xin ra. Luồng khí lập tức được xả ra, cửa bồn hé mở, chúng tôi hít căng lồng ngực rồi lảo đảo bước ra. Kiểm tra kim đồng hồ, đại úy Vĩnh cho biết chúng tôi mới chỉ chịu được áp lực tương đương xuống độ sâu 15m. Trong khi nhiều chiến sĩ đặc công có thể chịu được áp lực tương đương xuống độ sâu 50-60m.

Chứng kiến các chiến sĩ trẻ tập luyện chuyên cần, sử dụng thành thạo những vũ khí tối tân, chúng tôi hiểu rằng những con người mình đồng da sắt và trái tim quả cảm ấy sẽ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.



Lịch sử hào hùng

Đoàn 126 được thành lập ngày 13.4.1966. Với sự tinh nhuệ, dũng cảm, sáng tạo, cán bộ, chiến sĩ của đoàn trở thành nỗi khiếp đảm của đối phương tại các chiến trường như sông Hiếu, Cửa Việt, sông Lòng Tàu, Rừng Sác… Chỉ trong 7 năm chiến đấu ở Cửa Việt (Quảng Trị), đoàn đã đánh hơn 300 trận, đánh chìm, đánh hỏng gần 400 tàu thuyền của địch. Đoàn 126 đã 2 lần được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (năm 1969 và 1971).



K.L - N.Đ
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)