Tin tức - pháp luật 2011-02-16 08:03:09

Xăng tăng tới 3.000 đồng/lít mới hết lỗ?


Hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu đều cho rằng việc tỷ giá tăng như giọt nước tràn ly làm cho sức ép tăng giá xăng dầu ngày càng nặng nề. Tính ra nếu giá xăng tăng thì phải thêm khoảng 2.700 - 3.000 đồng mới hết lỗ.



Để trấn an tâm lý lo ngại giá xăng tăng của người dân, mới đây, Bộ Tài chính đã quyết định tăng xả quỹ bình ổn để giữ nguyên giá bán lẻ xăng dầu. Trong bối cảnh giá xăng bán ra hiện lỗ nhiều tháng nay, cộng với việc tỷ giá USD liên ngân hàng tăng mạnh, các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu hiện khá bức xúc.

Ông Vương Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc Petrolimex, cho hay, nhìn vào giá cơ sở để tính giá bán lẻ xăng dầu trong nước (bao gồm cả mức trích quỹ bình ổn giá là 300 đồng một lít) là biết quỹ bình ổn đã không kham nổi.

Theo tính toán của Petrolimex với số liệu chốt trong ngày 14/2, với mặt hàng xăng Ron 92, giá thế giới để tính giá cơ sở là 105,37 USD một thùng (= 159 lít), thuế nhập khẩu hiện hành 0%, thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng đều 10%, phí xăng dầu 1.000 đồng một lít, định mức chi phí kinh doanh 600 đồng mỗi lít, lợi nhuận định mức 300 đồng và mức trích quỹ bình ổn là 300 đồng mỗi lít.

Với tỷ giá USD được tính theo tỷ giá của ngân hàng thương mại Nhà nước, thì giá xăng cơ sở phải ở mức 19.117 đồng một lít, trong khi giá bán xăng A92 hiện hành của Petrolimex chỉ ở mức 16.400 đồng.



"Như vậy, mức lỗ đã lên tới hơn 2.700 đồng một lít xăng, tương đương 17%, thì quỹ nào bù lại", ông Dũng nói.

Còn ông Vương Đình Dung, Giám đốc Công ty Xăng dầu Quân đội, cho hay, cộng với việc tăng mạnh tỷ giá lên 1.400 một USD của Ngân hàng Nhà nước, mỗi lít xăng bán ra của đơn vị này hiện lỗ khoảng 2.900 đồng. Với mặt hàng dầu Diesel, dầu hỏa, Mazut mức lỗ còn cao hơn, như dầu Diesel lỗ khoảng hơn 3.500 đồng một kg.

"Như vậy, nếu giá xăng dầu được phép tăng thì phải tăng ít nhất 2.900 đồng thì mới đủ bù lỗ ở hiện tại. Đấy là chưa nói đến mức lỗ mà các doanh nghiệp phải "gánh" từ nhiều tháng nay do giá thế giới lên cao trong khi giá đầu ra vẫn bị kiềm.

Thực ra quyết định tăng xả quỹ bình ổn để giữ giá xăng dầu bán ra trong nước mới đây của Bộ Tài chính chỉ là giải pháp hạch toán chi phí, chứ quỹ làm gì còn. Quỹ bình ổn xăng dầu hiện chưa có nguồn mà doanh nghiệp vẫn đang phải tự trích. Còn việc kinh doanh lỗ vốn thì doanh nghiệp xăng dầu phải tự vay từ các nguồn mà bù vào. Riêng việc tăng tỷ giá USD vừa qua đã khiến chi phí phát sinh doanh nghiệp phải bỏ ra lên tới gần trăm tỷ đồng", ông Dung nói.

Còn Tổng giám đốc Sài Gòn Petro, ông Đặng Vinh Sang, cho hay, tỷ giá USD tăng là một sức ép lớn lên mặt hàng xăng dầu vốn đã lỗ nhiều tháng nay. Với việc tăng tỷ giá USD lần này, doanh nghiệp bị thiệt đơn thiệt kép. Thông thường, khi lô hàng xăng dầu về cảng, khoảng 30 ngày sau, doanh nghiệp mới thanh toán cho đối tác nước ngoài. Khi đó, lượng xăng dầu này được tính giá bán ra với giá CIF theo tỷ giá VND/USD ở mức cũ, là 19.500 đồng.

Đến nay là thời hạn trả tiền cho đối tác nước ngoài, thì doanh nghiệp lại phải mua USD với tỷ giá mới là 20.900 đồng mỗi USD, lỗ 1.400 đồng một USD. Tổng kết chung thì riêng với việc tăng tỷ giá lần này, mỗi lít xăng dầu đã bị đội lên khoảng 900 đồng.

Bên cạnh đó, nhiều tháng nay, khi đến hạn thanh toán ngoại tệ cho đối tác nước ngoài, các ngân hàng không bán ngoại tệ mà bắt doanh nghiệp xăng dầu phải vay ngoại tệ. Giờ đến hạn phải trả ngoại tệ cho ngân hàng thì nghiễm nhiên, doanh nghiệp buộc phải chịu thiệt hại lớn với khoảng chênh tỷ giá tăng tới gần 1.400 đồng mỗi USD.

Nếu trước khi tỷ giá tăng, ngân hàng bán ngoại tệ cho doanh nghiệp, thì họ chỉ phải mua USD với tỷ giá thấp chứ không phải mua với giá cao như bây giờ, lại không phải chịu phí vay ngoại tệ. "Tính toán sơ bộ, chúng tôi đã bị phát sinh chi phí lên tới 50 tỷ đồng chỉ riêng với việc tăng tỷ giá lần này", ông Sang cho biết.

Phó tổng giám đốc Petrolimex Vương Thái Dũng cũng xác nhận, đúng là các doanh nghiệp nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu thường được ưu tiên mua USD từ ngân hàng để nhập khẩu xăng dầu. Song vào thời điểm này, các ngân hàng dù rất tích cực đảm bảo nguồn USD cho doanh nghiệp, thì vẫn không có đủ USD để cung cấp. Thế nên chúng tôi vẫn phải vay một khoản ngoại tệ lớn từ nhà băng để nhập hàng.

Giá thế giới để tính giá cơ sở là giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore bình quân gia quyền của 30 ngày, ngày 15/2, giá xăng RON 92 ở mức 105,9 USD một thùng (1 thùng = 159 lít). Cộng với giá vận tải dao động khoảng 1,5 USD mỗi thùng, tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại nhà nước ở mức 20.900 đồng một USD, thì giá xăng Ron 92 thế giới sẽ ở mức 0,675 USD một lít, quy đổi ra VND tương đương 14.107 đồng một lít.

Hiện các doanh nghiệp đều kêu lỗ khoảng gần 3.000 đồng mỗi lít xăng bán ra là do họ tính cả các chi phí như định mức chi phí kinh doanh (hoa hồng cho các đại lý, phí vận chuyển…), phí xăng dầu, mức trích quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức, thuế tiêu thụ đặc biệt và giá trị gia tăng. Nhiều ý kiến cho rằng việc giá xăng dầu đầu vào liên tục tăng thì không thể kiềm giá đầu ra mãi, mà cần phải tăng tương ứng.

Tuy nhiên một số chi phí Chính phủ và doanh nghiệp có thể xem xét cắt giảm bớt như phí xăng dầu, giảm thuế VAT, tiêu thụ đặc biêt, định mức chi phí kinh doanh hay lợi nhuận định mức. Điều này nhằm chia sẻ gánh nặng với người tiều dùng và doanh nghiệp sản xuất, để tránh tình trạng giá xăng có nguy cơ tăng một lúc lên 15 - 20% như trước đây.

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)