Khoa học - Lịch sử 2015-06-10 02:24:17

[MacproDS] Kỹ thuật trồng trọt


1—Kỹ thuật trồng rau cải xoong trong thùng xốp

Cải xoong (tên khoa học: Nasturtium officinale hoặc Nasturtium microphyllum) là một loại thực vật thủy sinh hay bán thủy sinh và có kỹ thuật trồng cây khá dễ. Đây là loài rau có nguồn gốc từ châu Âu tới Trung Á. Loài thực vật này là thành viên của họ Cải (Brassicaceae), về mặt thực vật học là có họ hàng với rau tần và mù tạc, tất cả chúng đều có mùi vị hăng và cay.

Kỹ thuật trồng cây cải xoong


Kỹ thuật trồng cây rau cải xoong rất đơn giản

Người trồng nên chuẩn bị 1 thùng xốp có kích thước 50 x 37, cao 30cm, đổ đầy nước trong 30' để thử độ kín sau đó quấn băng keo 5 mặt tạo độ chắc chắn. Cây cải xoong không cần nhiều đất nên người dân có thể đập nhỏ xỉ than trải 1 lớp dày 10cm dưới đáy, trộn vào đó 200g lân, tiếp đó là 1 lớp đất (đất thịt trộn ít trấu) sao cho cách mép thùng 5cm, rắc 20g NPK và đảo đều. Đất không được có các chất thải hữu cơ hoặc lá, gốc, rễ cây chưa phân hủy vì sẽ làm thối đất, bà con cần đục 1 lỗ bằng ngón tay cách mép thùng 3cm để khi trời mưa nước không tràn qua mép.


Chỉ cần chú ý đến kỹ thuật trồng cây là người dân có thể trồng cho gia đình mình những thùng rau ngon, bổ, rẻ

Trồng cây: Người dân ở thành thị nên chọn mua rau già, cọng to nhiều rễ về cắm. Với bà con nông dân muốn trồng ở ruộng nên chọn cây có nhiều rễ để cây lớn nhanh hơn.

Bón phân: 2 lứa thu hoạch đầu người trồng không cần bón phân, hái xong lứa thứ 3 nên bắt đầu tưới dung dịch thủy canh (nếu có) hoặc bón 2g đạm sau mỗi lần thu hoạch, thỉnh thoảng nên bón thêm 1-2g kali.

Lưu ý: Người dân không để quá nhiều nước trong thùng, chỉ nên để xâm xấp mặt. Ngoài ra, việc tưới nước cho cây hàng ngày vào buổi sáng là cần thiết nhưng chỉ cần cung cấp đủ lượng ẩm cho cây, không cần tưới quá đãm.


Rau cải xoong có thể được ăn sống hoặc chín

Cải xoong phát triển rất mạnh khi trời mưa, mưa phùn, nên khi mưa xong, bà con nên pha phân thật loãng bón thúc, tạo điều kiện cho cây phát triển mạnh.Khi tỉa ăn được 3-4 lần, người dân nên dùng dao hay kéo cắt trụi gần sát gốc 1 lần và bón phân, cây sẽ lên ngọn mới và khỏe mạnh hơn.

Công dụng của cây cải xoong

Cải xoong không những là 1 món ăn ngon miệng mà còn là loài thực vật có tác dụng tẩy độc, lợi tiểu. Loài rau này cũng có tác dụng thông gan mật và góp phần làm giảm bệnh ứ máu. Món rau cải xoong nấu với cá tươi vừa ngon, mát, có tác dụng giải nhiệt, phòng nhiệt, lợi tiểu, lại vừa cầm máu, chữa bệnh phổi.


Rau cải xoong là 1 món ăn bổ dưỡng

Rau cải xoong có thể kết hợp với nhiều loại thực phẩm khác nhau, từ các loại thịt đến các loại hải sản. Loài thực vật này được sử dụng đa dạng trong khâu chế biến như ăn sống, làm gỏi, nhúng lẩu, luộc hay nấu canh…Một mách nhỏ quan trọng cho việc chế biến cải xoong là không nên nấu ở nhiệt độ quá cao vì khi đó, dưỡng chất sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn

2–Kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây bầu nhiều quả

Cây bầu có tên khoa học là Lagernaria siceraria (Molina) Standl, thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae), có kỹ thuật trồng cây khá đơn giản. Cây bầu có nguồn gốc Châu Phi và Ấn Độ, ngày nay được trồng rộng rãi ở các nước vùng nhiệt đới và á nhiệt đới trên toàn thế giới.


Cây bầu có kỹ thuật trồng cây không khó nên được trồng ở nhiều nơi

Bầu là cây hằng niên, thân leo quấn, tua cuốn phân nhánh, thân lá phát triển mạnh và có tính sinh nhánh lớn do đó khi canh tác phải bấm ngọn, làm dàn. Bộ rễ rất phát triển, ăn lan rộng, có khả năng ra nhiều rễ bất định ở đốt. Hoa thụ phấn nhờ gió và côn trùng. Trái có hình dạng và kích thước rất thay đổi, thường là hình trụ, dài 50 - 100 cm, khi già vỏ trái hóa gổ, bầu ưa nhiệt độ cao từ 20-30 độ C và cường độ ánh sáng mạnh, vì vậy là rau vụ hè.


Để có được giàn bầu sai quả, người dân nên chú ý tuân theo một số kỹ thuật trồng cây cơ bản

Hiện nay, có nhiều giống bầu nhưng chủ yếu có 4 loại: bầu thước, bầu sao, bầu trắng và bầu thúng. Tuy nhiên, ở phía Bắc, người dân nên trồng bầu sao bởi loại này cho năng suất cao và thu nhập ổn định.

Bầu trồng được quanh năm, mùa nắng cho trái nhiều hơn mùa mưa. Bầu phát triển thuận lợi khi gieo trồng từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch. Hạt bầu cần nhiệt độ cao và ẩm độ đầy đủ để nẩy mầm.

Kỹ thuật trồng cây

Người trồng nên ngâm hạt từ 10 - 12 giờ, sau đó gói ủ hạt trong tro hay cát nóng từ 4 - 5 ngày cho nẩy mầm. Bà con gieo hạt nẩy mầm vào bầu đất chăm sóc cho đến khi cây có 2 lá thật mới đem trồng. Ngoài ra, người dân cũng có thể gieo thẳng hạt ngoài đồng, mỗi lỗ từ 3 - 4 hạt, đào hốc có kích thước 50 x 50 x 30 cm, hốc cách nhau 1m, bón nhiều phân chuồng hay phân cỏ hoai mục và khoảng 100 g phân hỗn hợp NPK cho mỗi hốc trước khi trồng.

Bầu cần nhiều nước, do đó người chăm sóc phải tưới thường xuyên 1 - 2 lần/ngày cho cây đủ ẩm. Lượng nước tưới cần gia tăng khi bầu mang trái. Giai đoạn tăng trưởng kéo dài kể từ khi trồng đến khi bầu lên giàn (60 ngày sau khi trồng), người dân cần bón thúc thường xuyên mỗi tuần một lần để chuẩn bị cơ sở vật chất cho cây ra hoa kết trái.


Quả bầu có tính mát nên được sử dụng khá nhiều

Giai đoạn ra hoa, đậu trái, cây cần được bón thúc nuôi trái 7-10 ngày một lần với lượng phân gia tăng dần để trái to và nhiều trái. Trong suốt thời gian canh tác (130 - 140 ngày) mỗi hốc nên được bón từ 1 - 1,5 kg phân hỗn hợp NPK.

Khi bầu mọc dài được 1m, bà con bắt đầu khoanh dây vòng gốc, lấy đất chặn lên ngay đốt, cách 1 - 2 đốt lại chặn đất để tranh thủ cho bầu ra rễ bất định, tăng khả năng thu hút dinh dưỡng nuôi trái sau này. Trồng được 2 tháng người dân mới nên nương dây cho bầu leo giàn, cần để dây ở thế tự nhiên, không lật úp hay xoắn dây. Nên làm giàn bằng để bầu đủ diện tích bò, bầu vừa lên giàn là có thể trổ hoa đậu trái. Từ 75 - 90 ngày sau khi trồng, bầu bắt đầu cho thu hoạch.

Bầu ra nhiều dây nhánh và mang trái ở dây nhánh. Các dây nhánh ở đoạn thân từ gốc lên đến giàn nên tỉa bỏ để gốc được thoáng. Khi bầu lên giàn, người trồng không nên tỉa để dây nhánh cho trái. Khi đã lấy được trái trên nhánh, người dân nên bấm ngọn để trái phát triển lớn và bầu tiếp tục cho trái ở dây nhánh khác.

Sâu hại bầu gồm ruồi đục lòn lá (Lyriomyza spp.), rầy mềm (Aphis sp.), bọ rầy dưa (Aulacophora similis). Bà con cần nhanh chóng phun thuốc khi thấy các côn trùng này xuất hiện.


Canh bầu nấu tôm là món ăn giải nhiệt mùa hè được nhiều người yêu thích

Bệnh gây hại cho bầu thường gặp như bệnh héo cây con do nấm Rhizoctonia solani, bệnh khảm do virus, bệnh thán thư do nấm Colletotrichum lagenarium trong mùa mưa và bệnh phấn trắng do nấm Sphaerotheca fuliginea trong mùa khô. Trong thực tế do diện tích trồng ít, giá trị kinh tế của bầu không cao, nông dân có thể không phun ngừa thuốc trị bệnh, chỉ nhổ bỏ cây bệnh hay ngắt bỏ lá bệnh nếu có.

Thu hoạch và để giống

Trái bầu phát triển 10 - 12 ngày sau khi trổ hoa là bà con có thể thu hoạch để ăn. Người trồng nên cắt trái khi vỏ còn mềm, trái thon dài, hạt bên trong vừa tượng là ngon. Người dân không nên để trái già, vỏ hạt bên trong đã cứng, ăn kém ngon và cây mau tàn. Nếu chăm sóc tốt, giàn bầu 100 gốc sẽ cho thu trái 2 - 3 ngày/lần; mỗi gốc trung bình cho từ 10 - 15 trái.

Công dụng của quả bầu

Tỷ lệ chất dinh dưỡng ở bầu kém hơn các cây khác trong họ nhưng thịt quả non ngọt, có tác dụng giải nhiệt, trừ độc, có thể chữa bệnh đái tháo đường và mụn lở. Hoa và hạt bầu cũng được sử dụng làm thuốc trong Đông y. Vỏ quả già rất cứng dùng làm chai, lọ hay chế tạo đồ gia dụng.

3–Kỹ thuật gieo trồng cây mướp cho năng suất cao

Đặc tính của cây mướp

Mướp là một loài dây leo, có kỹ thuật trồng cây rất đơn giản và được trồng nhiều nơi ở Việt Nam. Thân cây có góc cạnh, màu lục nhạt. Lá to, đường kính từ 15 - 25 cm. Hoa có màu vàng. Hoa đực mọc thành chùm, hoa cái mọc đơn độc. Quả thường có chiều dài 25 cm đến 100 cm. Mặt ngoài vỏ quả màu lục nhạt, trên có những đường gân xanh, chạy dọc theo chiều dài quả.

Khi quả chín, quả chỉ còn lại khối xơ cứng, dai, không bị nước làm mục hỏng. Khi ngâm vào nước xơ sẽ phồng lên và mềm, có thể dùng cọ tắm, rửa bát. Quả mướp ta không có mùi thơm như quả mướp hương. Mướp ta cho quả to, vỏ màu xanh xẫm. Mướp thường được trồng vào mùa xuân. Nông dân thường trồng để lấy quả ăn, nấu canh hay xào. Quả già dùng làm xơ mướp để rửa bát. Ngoài ra, mướp còn được dùng làm thuốc.


Cây mướp có kỹ thuật trồng cây khá đơn giản và không yêu cầu cách chăm sóc cầu kỳ

Trong quả mướp có chất saponin, chất nhầy, xylan, chất bép protein (1.5%) vitamin B và C, muối nitrat. Trong nhân hạt có 41 – 45 % chất dầu. Theo đông y, quả mướp có vị ngọt, thanh nhiệt, trừ phong thấp, lợi tiểu, tiêu đờm, mát máu, giải độc, thông kinh mạch, làm ra sữa, khỏi lở, sưng đau nhức và bổ khí an thai.

Kỹ thuật trồng cây

Đầu tiên, người dân cần làm đất kỹ, lên luống rộng 2,5m, bón lót 18 - 20 tấn phân chuồng, 120kg lân và 30kg kali/ha. Sau đó, người trồng phải rạch hàng trên luống (mỗi luống chỉ trồng 1 hàng) rồi tra hạt, cách 30cm tra một khóm 2 – 3 hạt, về sau tỉa đi để lại một khóm 2 cây, giữ với mật độ 7.000 - 10.000 cây/ha.


Người dân có thể trồng cây mướp cho gia đình bằng cách áp dụng đúng kỹ thuật trồng cây cơ bản

Việc tỉa cây, bón thúc, xới vun cần được thực hiện cho đến lúc mướp leo kín giàn khoảng 2 tháng. Nếu chỉ bón thúc cho mướp khi cây sinh trưởng xấu, kém vì mướp rất hay bị lốp phân, tức là chỉ leo kín giàn mà không cho quả. Lượng phân bón thúc cho 1ha mướp bao gồm: NPK 300kg, urê 200kg và kali 30kg, chia đều lượng phân cho nhiều lần bón. Cây được 20 ngày cần được bón thúc bằng nước phân pha loãng.

Sau đó, cứ 20 ngày người chăm cây lại bón thúc cho cây một lần nhằm vào giữa hai kỳ hoa tạo điều kiện cho cây có sức ra được nhiều hoa quả. Khi mướp mọc được 2 - 3 lá thật, người trồng phải chuẩn bị làm giàn cho mướp. Cây cao 20cm cần được cắm mỗi hốc 1 cây dóc để mướp leo lên giàn. Giàn mướp nên được làm kiểu mái bằng. Hệ thống giàn cần được làm vững chắc, giàn cao 2 m, bắt dây bò đều trên giàn. Khi mướp đã lên giàn, người dân nên tỉa bỏ hết lá ở gốc cho thoáng.

Nếu mướp bị lốp lá xanh đen, ít quả do thừa đạm, người trồng cần lấy mũi dao sạch rạch đôi đoạn thân cách mặt đất 1m, cuốc lật đất sâu 20cm, cách gốc 1m, bón mỗi gốc 1 - 2kg kali clorua, mướp sẽ bị chột và sai hoa, nhiều quả sau khi xử lý 20 - 30 ngày.

Từ lúc gieo trồng đến khi thu hoạch từ 80 - 100 ngày, thời gian thu hoạch có thể kéo dài cho đến tháng 9. Năng suất trung bình của mướp có thể cho từ 40 – 50 tấn/ha. Quả để giống phải là quả to, không sâu bệnh, từ quả thứ 2 - 3 trở lên, người trồng để quả già trên cây như bầu, phơi thêm rồi gác lên gác bếp, lấy hạt cho vụ sau.

 4—-Kỹ thuật trồng ổi lê Đài Loan trong chậu đơn giản, năng suất cao

Ổi không chỉ là loại trái cây ngon, phố biến của người Việt mà còn có rất nhiều công dụng: làm đẹp da, ngừa cao huyết áp, giảm ho, ngăn ngừa ung thư, điều trị bệnh tiểu đừơng… Nếu như trứơc đây trồng một cây ổi phải tới 2-3 năm mới có trái thì giờ đây với kỹ thuật trồng cây ổi lê Đài Loan trong chậu đơn giản chỉ cần trồng khoảng từ 6-12 tháng là đã cho trái.

Chọn đất và chọn chậu trồng cây ổi lê

Cây ổi nói chung hầu như không kén đất, tuy nhiên do trồng trong chậu nên cần lưu ý chọn đất trồng cây tơi xốp thoát nước tốt và bổ sung thêm phân hữu cơ hoai mục, tốt nhất nên chọn phân trùn quế để rễ cây không bị nấm bệnh. Có thể phối trộn giá thể trồng cây ổi lê với tỷ lệ tro trấu, xơ dừa, trấu sống, phân trùn quế là 2:0,5:0,5:1.


Với kỹ thuật trồng cây ổi lê Đài Loan trong chậu chỉ cần trồng khoảng từ 6-12 tháng là đã cho trái

Chọn chậu trồng cây ổi lê tại nhà phải có kích thước tương đối đủ để cây có trái thường xuyên, chọn chậu sành hay thùng nhựa DS với kích thước đường kính chậu từ 30-40cm, chiều cao chậu từ 35-50 cm, chậu càng to cây càng lớn cho nhiều cành nhánh. Cho đất trồng cây vào 2/3 chậu, sau đó trồng cây ổi lê giống vào, nhớ tháo bỏ lớp nilon bao rễ, dùng tay chèn nén chặt quanh cổ cây không cho cây lung lay khi tưới.

Chọn giống cây ổi lê

Để cây ổi lê trồng trong chậu nhanh có trái nên chọn cây giống từ chiết cành, từ lúc trồng vào trong chậu đến khi ra trái chỉ mất 4-6 tháng. Tuy nhiên cây giống từ nguồn này mau bị già cỗi thoái hóa vì cây giống chiết có tuổi già như tuổi cây mẹ. Nếu trồng cây ổi lê bằng hạt thì phải mất 3-4 năm mới cho trái và thời gian thu hoạch lâu hơn.

Cách chăm sóc cây ổi lê trồng chậu tại nhà

Khoảng 15-20 ngày là cây ổi lê vừa trồng trong chậu sẽ ra rễ và đâm lá mới, khi thấy lá non đã già thì bắt đầu bón thêm phân NPK 16.16.8 khoảng muỗng cà phê và surper lân khoảng muỗng canh, tất cả cho rải xung quanh đất ngoài gốc cây ổi, tưới nước đầy đủ sau khi bón phân. Hàng tháng bón định kỳ 1 lần đất dinh dưỡng phân trùn quế một lớp 2-3 cm vào mặt chậu ( vào đầu tháng) và một ít phân vô cơ như trên vào giữa tháng.

Không bón phân vô cơ nhiều đạm như urê, SA sẽ làm cây ổi chỉ có lá xanh mà không ra trái. Cây ổi lê trong trong chậu cần phải tưới nước đầy đủ bảo đảm cây đủ ẩm và bộ rễ không bị thiếu nước, trường hợp tưới thiếu nước cây ổi dễ bị rụng lá và khô cành dần.

Tỉa cành tạo tán và ngắt bỏ bớt trái nhỏ để nuôi quả lớn

Để cây ổi tập trung dinh dưỡng nuôi trái thì cần thiết phải ngắt bỏ bớt khi quả vừa tượng hình, chỉ chừa lại một quả trên một nhánh ( ưu tiên để trái gần thân chính nhất). Nếu cây ổi đã lớn có gốc to thì có thể để nhiều trái xung quanh thân chính hoặc cành lớn.

Cây ổi trồng chậu tại nhà được một năm thì bắt đầu tỉa cành tạo tán cho cây khỏe. Để cây ổi ra nhiều quả thì phải tỉa cành tạo tán cho cây khỏe có nhiều nhánh nhất, lúc đó cây ổi đủ sức mang nhiều trái.


Ổi lê Đài Loan là giống cây sinh trưởng và phát triển mạnh, ra trái quanh năm, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt

Khi thấy cây ổi lê bắt đầu ra trái nhỏ thành từng cặp thì tỉa bỏ bớt trái để dưỡng cho trái ổi còn lại mau lớn, mỗi cành chỉ để 1-2 trái phía trong gần thân chính, ngắt bỏ trái phái ngoài ngọn. Mỗi cây ổi lê trồng trong chậu nên nuôi từ 3-4 trái là đủ.

Nếu để quá nhiều trái trên cây thì không đủ dinh dưỡng, trái ổi dễ bị rụng. Khi cây ổi lê cho vài đợt trái và thấy hiện tượng cây bắt đầu suy yếu thưa lá , lá mới nhỏ dần thì tiến hành cắt tỉa thu gọn bớt tán cây, bón phân đầy đủ để cây ổi lê bắt đầu cho đợt trái mới. Khi thấy cây ổi lê đã quá lớn so với kích thước chậu hiện hữu thì phải thay chậu khác lớn hơn, cây ổi mới sinh trưởng tốt.

Nguyên tắc tỉa cành bấm ngọn tạo tán cho cây ổi trồng chậu

Cắt bỏ những cành khô sâu bệnh, cành yếu nằm phía trong không có ánh sáng để làm thông thoáng tán cây và đảm bảo các cành lá đều có đầy đủ nắng để quang hợp. Sau mỗi đợt thu hoach trái thì tiến hành bón phân gốc và tỉa cành thu gọn tán cây ổi, không cắt vào phân cành cấp 2, chỉ bấm phân cành cấp 3.

Từ một nhánh ban đầu sau khi tỉa bỏ sẽ xuất hiện hai chồi mới, từ chồi này sẽ cho cặp trái mới. Lưu ý giữ bấm ngọn để tạo khung tán cho cây ổi phát triển theo hình cây nấm. Khi cây ổi có nhiều cành nhánh thì nhu cầu bón phân tưới nước phải tăng theo kích thước cây, từ đó cây ổi mới đủ sức cho nhiều quả.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây ổi lê trồng trong chậu tại nhà ít khi bị sâu bệnh tấn công, chỉ khi có trái cần phải bao lại bằng bich ni lon để tránh bị ruồi hút chích làm thối quả.Có thể dùng thuốc trừ sâu sinh học hay nước tỏi và ớt phun cho cây ổi nhằm xua đuổi côn trùng không tới gần. Cách trồng cây ổi lê trong chậu tại nhà không khó, đề nghị quý bà con quan tâm chăm sóc để tận hưởng hương vị những trái ổi lê ngon do mình tự trồng.

5— Kỹ thuật trồng cây sả

Cây sả có tác dụng xua muỗi, ruồi khi trồng trong vườn và có kỹ thuật trồng cây khá dễ. Sả có tên khác là cỏ sả, sả chanh, hương mao. Sả thuộc họ lúa Poaceae (Gramineae), tên khoa học là Cymbopogon nardus Rendl. Loài thực vật này thuộc cây cỏ lớn, có thể cao 1 - 2 mét. Lá cây hình dải, mép sắc, bẹ lá dài, hoa mầu tím hoặc nâu hồng.


Kỹ thuật trồng cây sả không khó

Cây sả thường được dùng tươi, thân rễ có thể phơi khô. Tinh dầu sả là một mặt hàng xuất khẩu có giá trị và là nguyên liệu được dùng trong kỹ nghệ mỹ phẩm, thực phẩm và dược phẩm. Sả cho một loại tinh dầu chứa nhiều thành phần khác nhau. Do đó, người dân thường chọn trồng những giống sả đáp ứng mục đích sử dụng của tinh dầu.

Sả thuộc cây thân thảo, sống lâu năm, mọc thành bụi, có chiều cao 80 cm đến trên 1m. Thân rễ trắng hay hơi tím, có nhiều đốt, các lá bẹ ôm chặt với nhau. Lá hẹp, dài giống như lá lúa, mép lá hơi nhám, đầu lá thường uốn cong xuống.


Để có được sản lượng sả chất lượng, bà con cần tuân thủ theo một số kỹ thuật trồng cây cơ bản

Rễ cây phát triển khỏe ăn sâu ở lớp đất 20 - 25 cm, chồi mọc từ nách lá tạo thành dảnh sả. Nhiều dảnh sả tạo thành bụi. Sả có khả năng chịu hạn. Trong vườn chỗ có bụi sả, rắn thường phải tránh xa, từ xưa con người cho rằng sả có mùi thơm mà rắn rất kỵ. Do đó, ở nông thôn, mọi người thường trồng sả xung quanh nhà để ngăn không cho rắn, rết bò vào nhà.

Công dụng của cây sả

Trong sả có chứa chất chống oxi hóa mạnh - hợp chất citral có khả năngtiêu diệt các tế bào ung thư. Ngoài ra, sả còn giúp thông tiểu giải độc gan thận. Sả cũng là gia vị có khả năng giúp tiêu hóa, hạn chế đau dạ dày, ợ khí chua, đầy bụng và tiêu chảy.

Loài cây này giúp tăng cường hoạt động da và tiêu diệt nấm bệnh: tinh dầu sả dùng trong xoa bóp giúp có làn da khỏe mạnh đồng thời tiêu diệt nấm bệnh. Người dân thường dùng 15-30 cây sả để giã nát lấy nước uống hay ăn sống để trị bệnh cảm lạnh hoặc cúm và không cần đi bác sĩ, nhiều nơi dùng lá sả để xông hơi, giải cảm.

Cây sả được dùng trong các món ăn

Cây sả được xem như vị thuốc tự nhiên mà thiên nhiên ban tặng, nên trồng sả tại nhà để có thể thu hái cây sả vừa sạch vừa đủ thời gian để cây sả già tạo nên vị thuốc quý báu.

Sả thường được dùng làm gia vị trong món ăn hàng ngày. Món ốc luộc cần có một vài dảnh sả, ăn thịt chó không thể thiếu sả. Sả cùng với ớt, đường, nước mắm, một ít bột ngọt làm món nước chấm ốc sẽ ngon hơn.

Kỹ thuật trồng cây và bón phân

Cây sả rất dễ trồng, không kén đất, thích nghi rộng với mọi vùng khí hậu. Cây sả có mặt ở hầu hết các vùng và ở miền vườn gia đình.

Đầu tiên, người trồng cần chọn đất chỗ đầu hồi nhà hay phía hàng rào, làm sạch cỏ, cuốc hố rộng 20 x 20 cm, sâu 20 cm, cho mỗi hố 0.3 - 0.5 kg phân Better hữu cơ sinh học HG01, trộn với lớp đất mặt. Sau đó, người dân lấy 1- 2 nhánh sả cắt bớt lá, tước bỏ bẹ lá khô ở ngoài, nếu ở gốc bẹ có rễ dài thì cắt bớt, đặt nhánh sả hơi nghiêng 15 -200 lấp đất và nén chặt gốc. Cuối cùng, cây sả cần được tưới nước vào gốc cho đủ ẩm. Trời nắng, cây cần được tưới ngày 1 lần vào gốc để cây chóng bén rễ.


Sả được trồng nhiều ở các vùng nông thôn

Bón thúc lần 1 (sau trồng 20-25 ngày): người nông dân cần sử dụng 5-7 kg phân Better NPK 16-12-8-11+TE cho 1.000m2. Bón thúc lần 2( sau trồng khoảng 45-60 ngày): người trồng cần kết hợp với làm cỏ vun gốc, sử dụng 7-10 kg phân Better NPK 16-12-8-11+TE cho 1.000m2.

Thu hoạch cây sả

Sau khi trồng 3 – 4 tháng, người dân có thể tỉa các dảnh to để bán, ăn hoặc lấy lá để nấu nước gội đầu, nước xông. Chú ý, cây cần được vun gốc kết hợp bón thêm phân hữu cơ sinh học Hg01 vào dịp cuối năm. Nếu trồng để lấy tinh dầu, sau khi trồng khoảng một năm, người dân nên tiến hành thu cắt lá, chỉ để lại đoạn gốc dài 10cm, bón phân tưới nước cho ra lá mới.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)