
Giám đốc điều hành dự án Sentinel chính là Ed Lu, cựu phi hành gia từng có kinh nghiệm trên tàu không gian và Trạm không gian quốc tế (ISS). Ông Lu cũng là cựu giám đốc điều hành của Google, chịu trách nhiệm Advanced Projects, tức các dự án tối tân của tập đoàn robot xanh. Theo chuyên gia kỳ cựu về lĩnh vực không gian, sáng kiến trên phụ thuộc vào khả năng triển khai kính viễn vọng hồng ngoại có quỹ đạo xung quanh mặt trời. Cách 26 ngày, nó sẽ quét bầu trời một lần để săn lùng tiểu hành tinh và gửi dữ liệu về các trạm mặt đất bằng Hệ thống không gian xa ngoài khí quyển trái đất của NASA. Theo tính toán, phải mất đến 4 năm rưỡi để hoàn tất việc chuẩn bị cho dự án Sentinel sẵn sàng vào năm 2017 – 2018, và kính viễn vọng này sẽ hoạt động trên không gian trong vòng 5 năm 6 tháng. Để đến được quỹ đạo dự kiến, Tổ chức B612 sẽ sử dụng phi thuyền Falcon9 của SpaceX.
Ông Lu cho biết: “Các quỹ đạo nằm bên trong hệ mặt trời là nơi cư trú của khoảng nửa triệu tiểu hành tinh có kích thước lớn hơn thủ phạm gây ra vụ nổ Tunguska (vào ngày 30.6.1908), nhưng chúng ta vẫn mới xác định được khoảng 1% số “hung thần” tiềm ẩn cho đến giờ phút này”.

Hình ảnh mô phỏng vụ nổ Tunguska bí ẩn
Vụ nổ Tunguska hiện vẫn là một ẩn số đầy bí hiểm, xảy ra cách đây hơn 100 năm tại Siberia. Giả thuyết phổ biến hiện nay thiên về khả năng đây là một vụ nổ trên không trung của tiểu hành tinh hoặc sao chổi, ở khoảng cách từ 5 đến 10 km so với mặt đất. Năng lượng thoát ra từ vụ nổ vào khoảng 10 đến 20 megaton TNT, tương đương với quả bom hạt nhân mạnh nhất mà Mỹ từng chế tạo là Castle Bravo.
Theo CEO của dự án trên, trong hơn 5 năm thực hiện sứ mệnh, kính viễn vọng Sentinel sẽ phát hiện và theo dõi khoảng nửa triệu tiểu hành tinh trong phạm vi cận trái đất, dựng nên một bản đồ chuyển động của chúng nhằm bảo vệ tương lai loài người, cũng như mở ra cơ hội mới thám hiểm hệ mặt trời.
[/justify]