Khoa học - Lịch sử 2014-10-04 00:45:08

Việt Nam khó có thể quan sát giai đoạn toàn phần của "Mặt trăng máu" !


Với thời tiết và vị trí Mặt trăng ở quá thấp so với chân trời đông, khi nguyệt thực toàn phần xảy ra, Việt Nam sẽ khó có thể xem được giai đoạn toàn phần. Đó là khẳng định của anh Đặng Tuấn Duy - chủ nhiệm CLB Thiên văn nghiệp dư TPHCM.

Khó quan sát được giai đoạn nguyệt thực toàn phần tại Việt Nam? 

Theo anh Duy, vào chiều tối ngày 08/10 khi Mặt trăng mọc dần lên ở chân trời đông sẽ xuất hiện hiện tượng nguyệt thực toàn phần, hay còn gọi là mặt trăng máu (Blood Moon). Đây là lần thứ hai trong năm nay, hiện tượng này xuất hiện, lần đầu là ngày 15/4 nhưng Việt Nam không quan sát được giai đoạn toàn phần.


 Theo tính toán, bóng tối của Trái đất sẽ bao phủ hoàn toàn Mặt trăng trong khoảng thời gian 58 phút 50s, từ  17h25ph  tới  18h24ph (theo Eclipses During 2014, F. Espenak, Observer’s Handbook- 2014, Royal Astronomical Society of Canada và NASA’s  GSFC). Thời điểm cực đại của nguyệt thực toàn phần diễn ra vào lúc khoảng 17h54ph (giờ VN). Trừ Châu Âu, châu Phi và một phần nhỏ khu vực châu Á không quan sát được, thì các vùng còn lại đều có thể quan sát được nguyệt thực lần này (toàn phần hay một phần). 


Quan sát thuận lợi nhất cho sự kiện đặc biệt lần này là các nước ở khu vực châu Mỹ và Úc và khu vực Đông Á. Tuy nhiên, đối với Việt Nam, người dân khó có thể quan sát được pha toàn phần, bởi thời tiết và vị trí Mặt trăng so với chân trời đông. 

 


Ảnh mô phỏng các diễn biến của nguyệt thực, (Việt hóa bởi HAAC)


 Việt Nam sẽ không quan sát được một số giai đoạn của nguyệt thực. Lúc nguyệt thực toàn phần đạt cực đại (17h54-17h55) thì Mặt trăng đang ở rất sát chân trời hướng đông và chuẩn bị mọc (chỉ lên cao có 4.3 độ so với chân trời). Để quan sát được chúng ta cần ở vị trí quan sát thật trống ở hướng đông và chân trời ít mây. Tháng 10 vẫn là mùa mưa ở Việt Nam nên thực tế rất khó quan sát được nguyệt thực ở giai đoạn toàn phần, bởi nguyệt thực toàn phần kết thúc lúc 18h24ph thì Mặt trăng cũng chỉ lên cao được 11 độ, trong khi chân trời luôn có rất nhiều mây. Thực tế, ở Việt Nam chúng ta khả dĩ chỉ quan sát được nguyệt thực một phần từ sau 18h24ph tới khoảng 19h34ph  khi nguyệt thực một phần kết thúc, thời điểm Mặt trăng đã lên cao hơn so với chân trời (khoảng 27 độ)."

 "Thời tiết cũng đóng vai trò quan trọng với việc quan sát nguyệt thực lần này. Nếu trời trong, không mưa và vùng quan sát hướng đông trống trải, bạn hãy thu xếp thời gian quan sát hiện tượng đáng chú ý này. Nếu trời nhiều mây ở chân trời đông và có mưa, việc quan sát nên dừng lại. Nhưng hy vọng trời trong, sẽ có thể quan sát được giai đoạn một phần, nếu may mắn có thể xem được toàn phần.” Anh Duy chia sẻ thêm. 

Thời điểm lý tưởng để ngắm nguyệt thực?
 


Tại Việt Nam, theo các tính toán của NASA: Nguyệt thực nửa tối (penumbral eclipse) sẽ bắt đầu từ lúc 15h15ph khi trăng đi vào vùng bóng nửa tối của Trái Đất, nhưng Nguyệt thực nửa tối sẽ rất khó nhận biết vì Mặt trăng chỉ tối hơn bình thường một chút. Thời điểm mà chúng ta nên bắt đầu quan sát là 16h14ph, Mặt trăng sẽ bắt đầu vào vùng bóng tối của Trái đất bắt đầu giai đoạn nguyệt thực một phần (partial eclipse), màu sắc của vùng bóng trái đất in trên mặt trăng sẽ chuyển dần từ đen xám sang ửng đỏ khi vùng bóng này lớn dần.
 
Nguyệt thực toàn phần (total eclipse) sẽ bắt đầu vào lúc 17h25ph và toàn bộ mặt trăng sẽ chuyển sang màu đỏ. Nguyệt thực toàn phần đạt cực đại vào lúc 17h54ph cũng là lúc mặt trăng nhuốm màu đỏ rõ, đẹp nhất. Do có màu đỏ mà người ta hay gán tên gọi “trăng máu” cho hiện tượng này.
 
Chúng ta sẽ tiếp tục quan sát được pha nguyệt thực toàn phần cho đến 18h24ph. Sau đó mặt trăng sẽ dần ra khỏi vùng tối, màu sắc dần trở về bình thường cho đến khi trăng ra khỏi vùng bóng tối hoàn toàn vào lúc 19h34ph và kết thúc nguyệt thực một phần.
 
Hãy lưu ý, nguyệt thực chỉ đáng chú ý từ khi pha một phần bắt đầu, bởi khi diễn ra nguyệt thực nửa tối, Mặt trăng chỉ tối hơn một chút so với trăng tròn thông thường, và hầu như không có gì khác biệt. Cũng qua quan sát bóng của Trái đất phủ lên bề mặt Mặt trăng mà chúng ta biết Trái đất có dạng hình cầu. 
 
Khi quan sát nguyệt thực, chúng ta hoàn toàn có thể quan sát bằng mắt thường mà không cần thiết bị bảo vệ mắt nào. Tuy nhiên quan sát nguyệt thực sẽ thú vị hơn khi sử dụng ống nhòm và kính thiên văn nhỏ, để nhìn rõ được bề mặt màu đỏ của Mặt Trăng.

Theo : Dân Trí.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)