Tin tức - pháp luật 2015-03-25 13:47:18

[TiChuot] Họp báo vụ việc giám đốc bệnh viện từ chối mổ cho phóng viên


Bệnh nhân T. có lời nhờ ông trực tiếp phẫu thuật nhưng do lịch mổ dày đặc nên ông từ chối và hướng dẫn cô T. theo hai phương án là điều trị theo diện BHYT hoặc lên nhà D1 (khu điều trị dịch vụ).


Ông Vũ Bá Quyết, giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương, khẳng định đã từ chối yêu cầu mổ trước khi biết bệnh nhân là phóng viên - Ảnh: Quỳnh Liên

Chiều 24-3, ông Vũ Bá Quyết - giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương - đã có cuộc gặp gỡ báo chí để thông tin về việc một bài báo nói ông từ chối mổ, đuổi bệnh nhân ra khỏi phòng khám sau khi biết cô này là phóng viên.

Mở đầu buổi gặp, ông Quyết kể một câu chuyện cũ.

Từng bị “gài”

Khoảng một tháng trước, ông Quyết nhận được điện thoại của một người ở Hà Tĩnh nhờ ông mổ cho vợ ở bệnh viện tư. Ông Quyết từ chối với lý do đang trong giờ làm việc, rất đông bệnh nhân cũng như phải xử lý nhiều công việc khác nên không thể mổ ngay. Tuy nhiên qua điện thoại, người này tỏ ý chỉ tin tưởng vào tay nghề của ông Quyết.

Trước tình huống như vậy, ông Quyết đã đồng ý mổ ngoài giờ tại bệnh viện tư nhân theo yêu cầu. Sau ca phẫu thuật, ông Quyết rất bất ngờ trước một tờ báo nói rằng bệnh viện tư ông đến mổ là sân sau của giám đốc Bệnh viện Phụ sản trung ương và ông đòi mổ dịch vụ với số tiền 22 triệu đồng. Kèm theo đó là clip ghi lại ca phẫu thuật theo yêu cầu của vị khách người Hà Tĩnh trên.

“Chi phí mổ do bệnh viện đưa ra và phải được khách hàng chấp thuận. Hoàn toàn không có chuyện cưỡng ép và tôi không biết hay liên quan gì đến việc trả giá của đôi bên, thế nhưng sau đó tờ báo này lại nói tôi đưa ra giá mổ là 22 triệu đồng” - ông Quyết phân trần. 

Từ chối trước khi biết bệnh nhân là phóng viên

Cũng theo ông Quyết, ngay tại phòng khám bệnh nhân T. có lời nhờ ông trực tiếp phẫu thuật nhưng do lịch mổ dày đặc nên ông từ chối và hướng dẫn cô T. theo hai phương án là điều trị theo diện BHYT hoặc lên nhà D1 (khu điều trị dịch vụ) để đăng ký bác sĩ mổ mà không phải chờ lâu.Về trường hợp bị cho là từ chối mổ cho bệnh nhân là phóng viên vừa xảy ra, ông Quyết kể lại như sau: Ngày 20-3, bệnh nhân T. đăng ký khám tại phòng khám dịch vụ Bệnh viện Phụ sản trung ương với yêu cầu bác sĩ Quyết - giám đốc bệnh viện - thăm khám. Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân bị u nang buồng trứng thường, chỉ định mổ.

Sau đó cô T. gọi điện đến số máy của ông Quyết nhờ mổ và xưng là phóng viên của tờ báo trên. “Qua điện thoại, tôi có nói với cô ấy là tôi sợ nhà báo, sợ báo của cô lắm rồi, đưa tin sai sự thật về tôi, chứ không hề có chuyện lăng mạ, đuổi cô ấy ra khỏi phòng như báo đã nêu” - ông Quyết nói.

Theo ông Quyết, ông đã từng bị tờ báo này gài bẫy nên khi có người xưng là phóng viên của tờ báo trên gọi điện thoại đến, làm ông mất cảm tình vì sợ gài bẫy lần nữa… Tuy nhiên, ông Quyết khẳng định ông từ chối trước khi biết cô này là phóng viên.

Trả lời báo chí xung quanh việc bác sĩ có quyền từ chối bệnh nhân không, ông Quyết cho rằng việc từ chối bệnh nhân trong trường hợp trên là không sai nhưng vẫn nhận khuyết điểm vì không giải thích rõ ràng dẫn đến việc hiểu lầm.

“Nếu tôi từ chối cấp cứu cho bệnh nhân thì đáng lên án nhưng vì cô T. không phải bệnh nhân cấp cứu, lại khám chữa bệnh theo yêu cầu nên trong trường hợp này tôi từ chối cũng là lẽ thường. Bệnh nhân khám chữa dịch vụ có quyền yêu cầu bác sĩ điều trị thì ngược lại bác sĩ cũng có quyền từ chối bệnh nhân. Không chỉ cô T. mà mỗi ngày tôi phải từ chối mổ cho rất nhiều người vì không thể đáp ứng được hết yêu cầu của tất cả” - ông Quyết khẳng định.

Ông Quyết cho biết thêm ông từ chối mổ cho cô T. nhưng bệnh viện không từ chối bệnh nhân, bởi ông vẫn hướng dẫn cô T. có thể điều trị theo cả hai phương án chữa bệnh theo diện BHYT và dịch vụ như đã nêu trên.

Khi nào bác sĩ được từ chối bệnh nhân?

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-3, một chuyên gia của ngành y tế cho biết bác sĩ có quyền từ chối điều trị mà tư vấn để bệnh nhân chuyển hình thức điều trị khác trong một số trường hợp, như tình trạng bệnh nhân không phải là cấp cứu, bệnh nhân có lời lẽ, hành vi xúc phạm hoặc đe dọa thầy thuốc.

Trong khám chữa bệnh theo yêu cầu thì thầy thuốc cũng có quyền cung cấp hay từ chối cung cấp dịch vụ.

Chuyên gia này cho rằng ông Quyết đã ứng xử “có lý” trong trường hợp trên, song về thái độ là không phù hợp khi có ý xúc phạm người làm báo.

Nhưng nếu trong tình huống bệnh nhân có lời lẽ khích bác hoặc đe dọa “nếu ông không giúp thì tôi đăng báo” chẳng hạn, thì bác sĩ có thể bị kích động và có thể có lời đối đáp không hay.

Theo bà Phạm Thanh Bình - phó văn phòng Bộ Y tế, đây là dịch vụ khám theo yêu cầu và bác sĩ có thể từ chối không phẫu thuật cho bệnh nhân, song bà Bình thừa nhận ở đây có vấn đề thái độ.

“Ngay sau khi nghe thông tin về vụ việc, chúng tôi đã soạn dự thảo công văn gửi Bệnh viện Phụ sản trung ương đề nghị xác minh vụ việc. Tuy nhiên ngay sau đó có nhiều báo chí đăng và giám đốc Vũ Bá Quyết đã trả lời rõ ràng về câu chuyện này nên chúng tôi cho rằng để bệnh viện xử lý sẽ phù hợp hơn. Bộ không thể việc gì cũng can thiệp vào, những việc bệnh viện xử lý được thì để bệnh viện lo” - bà Bình nói.

———————


Trong một số trường hợp cụ thể như bản thân bác sĩ không đáp ứng được yêu cầu điều trị (có thể dẫn đến tình trạng xấu hơn cho bệnh nhân) thì có quyền từ chối nhưng phải giải thích rõ cho bệnh nhân hiểu.

Bác sĩ cũng có quyền từ chối nếu bệnh nhân có yêu cầu thực hiện cắt ghép nội tạng trái pháp luật. Trong trường hợp bác sĩ sợ hãi (ví dụ bị đe dọa) cũng có quyền từ chối bởi khi tâm lý không ổn định, ảnh hưởng dẫn đến chất lượng điều trị, làm xấu đi tình trạng bệnh nhân.

Đối với trường hợp khám chữa bệnh dịch vụ, bác sĩ cũng có thể từ chối nếu không có thời gian, hoặc tâm lý không ổn định, sợ hãi.

Bác sĩ TRẦN TUẤN
(giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng)

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)