Ảnh - truyện vui 2011-06-05 13:19:01

[SOCK]Bi kịch thảm của những tri thức hóa điên


Không dừng lại ở những tổn thương tâm thần, nhiều trí thức mắc bệnh còn phải chịu đựng những áp lực, kỳ thị từ phía xã hội khiến cuộc đời họ rơi vào hoàn cảnh vô cùng bi đát. Ngay cả những người đã khỏi, đôi khi, họ vẫn bị xa lánh bởi mang tiếng bị “điên”.

>> Chuyện về những trí thức bỗng một ngày… hóa điên

Bi kịch không dừng lại

Họa sỹ Tuấn, sau nhiều tháng ngày sống trong đau thương đã chán nản đến cùng cực. Mới đây, ông đã tự vẫn. Thế nhưng, cái chết lại đến không dễ dàng. Bị chấn thương sọ não nặng, suốt thời gian dài anh sống dở chết dở. Khi tỉnh lại thì phần hồn đã xiêu lạc. Những tổn thương tâm lý đã trở thành tổn thương thực. Mọi nỗ lực chỉ có thể chữa khỏi 50% bệnh trạng.

Một trí thức tâm thần trong phòng tranh của bệnh viện.

Dù đã có thể nói chuyện tỉnh táo hơn, diễn đạt rành mạch hơn nhưng thần kinh của ông Tuấn vẫn rất dễ tổn thương vì quá nhạy cảm. Nói chuyện chỉ được dăm ba câu, ông luống cuống gom cọ vẽ rồi lật đật tránh khỏi mọi người. “Tuấn nói nhiều quá rồi, Tuấn thấy mình bị sốc, Tuấn đi nghỉ ngơi đây”. Ông nói vội rồi đi sâu vào viện phía vườn cây xa và rộng, sau lưng ông là cánh cổng ra thế giới bên ngoài với biết bao những náo nhiệt đời thường.

“Những người mắc bệnh tâm thần sẽ dẫn đến sức khỏe tinh thần yếu ớt. Đến khi họ đã khỏi bệnh thì tâm thần vẫn rất dễ bị kích động”, bác sĩ Trần Thanh Liêm - trưởng khoa Cán bộ và Quốc tế Bệnh viện tâm thần TW2 cho biết.

Trường hợp của Khải là một ví dụ điển hình. Là một kỹ sư từng mắc bệnh tâm thần và đã khỏi bệnh, mỗi năm anh đều điện thoại về bệnh viện Tâm thần TW2 để thăm hỏi cảm ơn các bác sĩ. Đêm giao thừa năm ngoái, anh gọi điện đi khắp bạn bè và những người Khải biết ơn để mừng năm mới. Sáng mùng 1, mọi người bàng hoàng nghe tin Khải đã tự sát. Nguyên nhân được xác định vì công việc quá căng thẳng, chán nản lại thêm những lời dè bỉu từ một số người ác ý về quá khứ từng mắc bệnh tâm thần khiến Khải tuyệt vọng.

Lao động cũng là một liệu pháp điều trị bệnh tâm thần.

Một đặc điểm nữa của người bệnh tâm thần là khi kích động quá mức, họ có thể gây ra tổn thương cho người khác. Tuy nhiên, 90% là các bệnh nhân sẽ không gây hấn với người lạ mà chỉ "tấn công" những người thân, đang chăm sóc, liên quan trực tiếp đến họ. P. một kỹ sư xây dựng tại TP.HCM trong suốt thời gian dài luôn nghi kỵ vợ mình ngoại tình. Một hôm, đi làm về, cơm nước đã được vợ dọn sẵn, một tay P. hất đổ cả mâm cơm. Anh luôn miệng quả quyết vợ có ý định đầu độc, giết hại mình để chiếm đoạt tài sản, tư tình. Mặc cho vợ giải thích hết lời, P. vẫn ra tay đánh đập. May thay, hàng xóm đã can thiệp kịp thời, đưa anh vào viện mới biết P. mắc chứng tâm thần phân liệt.

Đừng đóng sập lại cánh cửa hòa nhập

Theo nghiên cứu của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 850.000 người thiệt mạng do hội chứng trầm cảm. Đến năm 2020, trầm cảm đứng thứ 2 trong số các bệnh phổ biến toàn cầu, ước tính 121 triệu người mắc bệnh. Chỉ 25% trong số đó được điều trị kịp thời và đúng phương pháp. Khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường, kế toán và kiểm toán Grant Thornson công bố: 72% doanh nhân Việt bị stress, xếp vị trí thứ 3 trong số 36 quốc gia được khảo sát, bao gồm: Trung Quốc (76%), Mexico (74%), Thổ Nhĩ Kỳ (72%)… cao hơn rất nhiều các nước trong khu vực: Thái Lan (40%), Singapore (45%).

Đừng đóng lại cánh cửa tri thức đối với những người trí thức không may mắn.

Theo một bác sỹ tại bệnh viện tâm thần TW2, người mắc bệnh tâm thần không thể kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình. Mọi hành động và suy nghĩ của họ đều ở mức thái quá đẩy họ vào trạng thái cùng cực. Nếu không được phát hiện kịp thời và kiểm soát, bệnh sẽ gây ra nhiều hậu quả đáng tiếc, phổ biến nhất, người bệnh sẽ tự sát.

Triệu chứng bệnh có thể thấy ở bất kỳ ai: mất ngủ, khó thở, mệt mỏi, trầm cảm… Chính những quan niệm sai lầm đã làm người bệnh khi đã nhận ra các bất ổn vẫn ngại đi khám bệnh. Họ sợ bị xa lánh, sợ gây ảnh hưởng đến công việc làm ăn, học hành. Một khi phát triển thành bệnh tâm thần thì quá trình điều trị trở nên dài và khó khăn hơn nhiều lần.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh tâm thần nhưng dù là yếu tố tác động bên ngoài hay bất ổn bệnh lý có sẵn của bệnh nhân thì môi trường sống cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Những áp lực công việc, cú sốc trong cuộc sống, tình cảm đều có thể gây ra bệnh. Người trí thức suy nghĩ nhiều, chịu nhiều tác động trực tiếp lên hệ thần kinh, đến một lúc vượt ngưỡng chịu đựng của bản thân sẽ mắc bệnh. Một nguyên nhân rất quan trọng là người Việt Nam không quan tâm về sức khỏe tâm thần. Việc không thăm khám thường xuyên, lờ đi các triệu chứng ban đầu của bệnh sẽ dẫn đến diễn biến nặng, di chứng lâu dài.

Điều quan trọng trong điều trị bệnh nhân tâm thần là cho họ niềm tin và cảm nhận được sự yêu thương của mọi người. Người bệnh sẽ cực kỳ nguy hiểm khi họ không tự chủ được bản thân lại nhận thấy sự ghẻ lạnh, khinh miệt, chọc phá của người xung quanh sẽ dẫn đến những hành động không thể lường trước.

Theo bác sĩ Trần Thanh Liêm - trưởng khoa Cán bộ và Quốc tế Bệnh viện tâm thần TW2: “Bệnh tâm thần không phải là điên, hiện nay mọi người chỉ chú trọng chữa trị những tổn thương đau đớn phần xác thịt nhưng chính tâm thần là phần hồn của con người đang bị lãng quên, xem nhẹ và bị gán ghép những định kiến lệch lạc. Đó chính là nguyên nhân làm cho số bệnh nhân tâm thần tăng cao mỗi năm”.

ĐS - VK

Theo Bưu Điện Việt Nam
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)