Chuyện lạ 2011-03-02 15:17:13

Quan chức thời lạm phát !


Mấy hôm nay người dân ai cũng lo chuyện tăng giá, lạm phát, thuế má đủ kiểu mà lương thì vẫn cứ hờ hững đứng yên, tôi chợt nhớ lại bài "Á tế Á ca" của cụ Phan Bội Châu và ngẫm thấy quả đúng như tình hình bây giờ. Cho dù là không hoàn toàn chính xác nhưng tôi thấy về cơ bản dân ta đang phải trải qua đúng những gì dân thời cụ Phan Bội Châu phải trải qua. Quan chức thì càng ngày càng giầu có, dân chúng thì càng ngày càng nghèo đi, sống khổ sở, chật vật lo cuộc sống hàng ngày. Hãy thử ngẫm mà xem, chúng ta chào đón năm mới bằng việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới tăng giá tất cả các mặt hàng khác. Hơn nữa trong năm nay chúng ta sắp sửa bị đánh thêm thuế phương tiện cá nhân gì đó.





Lạm phát…. - Ảnh minh họa
Bên cạnh việc thu phí môi trường/cầu đường qua xăng dầu, thuế trước bạ khi sở hữu xe, nay chuẩn bị phát sinh thêm thuế bảo trì đường bộ gì đó. Rồi thuế đặt ra nhằm hạn chế phương tiện giao thông. Tuy nhiên ngẫm mà xem, hạn chế làm sao được khi người dân vẫn phải hàng ngày lao ra đường, đi làm, chạy chợ để kiếm miếng ăn. Nếu họ không ra đường thì họ sẽ chết đói, con cái họ sẽ không có tiền ăn chứ không nói đến tiền đi học đi hành.

Như vậy nhu cầu đi lại của người dân là một nhu cầu thiết yếu, không thể không đi lại được. Trong khi phương tiện giao thông công cộng thì nghèo nàn, chất lượng phục vụ thấp, mất rất rất nhiều thời gian, đa số người dân không có cách nào buộc phải dùng phương tiện cá nhân để mưu sinh, thế mà họ nỡ tìm cách hạn chế, khác nào cấm người dân không được làm ăn. Nghĩ đến đây mà nhớ đến câu “thuế xia kia mới thật lạ lùng” của cụ Phan. Tuy không đúng về nghĩ đen nhưng nghĩa bóng thì không sai vì người dân bị đánh thuế vào cái họ không thể không làm nếu họ không muốn chết đói.

Rồi ngẫm đến chuyện thu nhập của người dân mà xem nữa. Chỉ có một bộ phận quan chức là giàu có, có tiền có của. Tiền của từ đâu thì tôi chả dám nói đến vì các vị cũng làm công ăn lương cho nhà nước nhưng các vị giàu mà không bày cho dân cách làm giàu. Những người làm công cho nhà nước thì sao nhỉ. Không kể một bộ phận nhỏ nhàn rỗi có chân trong cơ quan nhà nước nhưng đầu óc để ở ngoài thương trường để làm giàu, thì phần lớn những cán bộ làm công ăn lương (công chức, viên chức, giáo viên….) đang phải lao động vất vả đảm bảo chất lượng công việc nhưng nhận được đồng lương chỉ nuôi đủ bản thân về ăn uống.

Hãy thử nghĩ về thời phong kiến trước đây mà xem, những người làm thuê có khác gì đâu, lao động vất vả nhưng nhận được đồng lương còm cõi. Tại sao những doanh nghiệp tư nhân, những doanh nghiệp nước ngoài họ trả lương tốt hơn (mặc dù mức lương họ trả thấp hơn nhiều so với mức lương họ phải trả cho người làm ở bên nước họ), nhưng họ đánh giá cao giá trị sức lao động của người Việt Nam hơn là nhà nước. Như vậy có nghĩa là gì, nghĩa là những người làm công ăn lương cho nhà nước đang bị các công ty/ cơ quan nhà nước bóc lột một cách tàn nhẫn. Công việc thì nhiều mà đồng lương thì ít. Như vậy thì có khác gì thời kỳ phong kiến nữa đâu khi mà người làm thuê chỉ được nhận đồng lương đủ sống cho cá nhân mình. Hồi đi học, còn nhơ bài học về triết học hay kinh tế chính trị gì đó là chúng ta đang cố gắng “làm theo năng lực, hưởng theo lao động”, tuy nhiên ngẫm mà thấy chúng ta đang phải “làm quá năng lực, hưởng theo sự bố thí”….

Chợt nhớ đến phát biểu của một vài cán bộ cao cấp:

- Ông điện lực (cục trưởng cục gì đó, hay là ông thứ trưởng nào đó) so sánh 1KWh điện với 1 cốc nước chè. Ông này coi thường sức lao động của người khác quá. Ý ông ý là sức lao động của người dân (từ người trồng chè, chế biến, vận chuyển, đến người bán nước chè phải mua nước sạch, mua đá,… mới có 1 cốc nước chè) không bằng ông ý xả nước tự nhiên để ra 1 KWh điện. Không hiểu 1KWh điện của ông đun được bao nhiêu nước, pha ra được bao nhiêu cốc nước chè. Hi vọng đun được 1 xô nước nhỉ. Khi thừa nước thì ông xả lũ để triệt hạ đồng ruộng của dân, hủy hoại tài sản của dân. Khi ông thấy lạm phát ông đòi tăng giá trước. Già mà cách đây 10 năm ông đừng đầu tư sang viễn thông, số vốn đó ông đầu tư vào phát triển điện lực thì có lẽ bây giờ đã khác.

- Rồi nhớ ông bộ trưởng nội vụ nói tăng lương đã vượt tăng giá mà thấy bức xúc quá. Không hiểu ông này coi người dân là gì nên ông ý chỉ nghĩ là người dân chỉ mơ đến những mặt hàng phục vụ việc ăn uống hàng ngày để mà so sánh việc tăng lương của ổng. Nếu nhu cầu của người dân chỉ là mỗi tháng vài cân thịt, yến gạo, yến rau… để ăn thì ông nói quá chuẩn: tăng lương đã vượt tăng giá. Tuy nhiên xin thưa với ông rằng, người dân còn có nhu cầu ở, nhu cầu đi lại, nhu cầu được hưởng dịch vụ y tế tốt nếu người thân phải đi viện và nhiều nhu cầu khác.

Xin thưa với ông nếu chiếu lương vào những nhu cầu thiết yếu đó nữa thì lương tụt xa so với các thứ đó. Bây giờ đi viện 1 lần cũng hết ½ tháng lương. Nhà có 2 đứa (không kể già trẻ) mà ốm trong tháng phải đi khám thì hết ít nhất 1 tháng lương, chưa kể phải nằm viện. Còn nhu cầu ở thì sao nhỉ, lương của ông tăng 10% nhưng nhà cửa thì tăng 200%…. Nói đến đây để thấy ông chỉ nghĩ là dân chỉ cần ăn là đủ hay sao, theo ông người dân chỉ cần đủ miếng ăn là họ thỏa mãn rồi sao. Mong các ông hãy nghĩ đến cuộc sống thực sự của người dân chứ đừng chỉ nghĩ đến cái ăn.

Các cụ có câu: “Thật thà ăn cháo, nói láo ăn cơm” quả là không sai. Dân thì càng ngày càng khổ sở. Quan chức càng ngày càng sung sướng.
Chủ đề đã bị khoá hoặc bạn không đủ quyền thực hiện tác vụ này

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)