![]() |
Bị cáo Nguyễn Đức Nghĩa tại phiên xử phúc thẩm sáng nay. |
![]() |
Mẹ bị cáo, bà Phạm Thị Chuân. |
Trước phiên phúc thẩm, mẹ bị cáo Nghĩa đã nộp cho cơ quan thi hành án 50 triệu đồng với mong muốn đây được xem là yếu tố giảm nhẹ. Bà Chuân gương mặt khắc khổ, ngồi cạnh con gái, lặng lẽ. Trên đầu của bà vẫn còn băng dán vì vết thương của vụ tai nạn vừa qua. Nghĩa vẫn chưa biết tin bố đã mất.
Bắt đầu phiên xử, bị cáo cho rằng đã khai nhận hết hành vi tại cơ quan điều tra cũng như trong phiên sơ thẩm nên có ý không muốn khai lại. Tuy nhiên, chủ tọa đã nhắc nhở, đây là quy định, Nghĩa một lần nữa tường thuật lại các chi tiết trong vụ án mạng tại khu chung cư. Ngồi phía dưới, ông Ba, bố nạn nhân gục xuống ghế.
![]() |
Ông Ba, bố nạn nhân Linh. |
Bị cáo đưa ra điều luật về "hành vi man rợ" là "trực tiếp giết, cắt để nạn nhân đến chết". Trong trường hợp của bị cáo, sau khi giết chết Linh, anh ta mới thực hiện các hành vi man rợ. Đây là điểm cốt yếu trong bản kháng án của bị cáo gửi tới TAND Tối cao. Một thẩm phán đã hỏi: "Từ khi gây án, bị bắt, vào trại tạm giam, đã có khi nào nghĩ đến hành vi giết Linh dã man vậy chưa. Bản thân bị cáo có ghê tởm, khiếp sợ về hành vi của mình không". Nghĩa đối đáp: “Thưa quý tòa, tôi xin nói trên khía cạnh pháp lý…”. “Giả thiết, nếu bị cáo không gây ra vụ viêc, bị cáo chỉ là người nghe lại vụ việc thì có công phẫn không”, hội đồng xét xử hỏi. Nghĩa nói: “Thưa, về mặt đạo đức, tôi rất công phẫn”.
Ông Nguyễn Văn Ba, được hội đồng xét xử hỏi về mối quan hệ trước đó của con gái với Nguyễn Đức Nghĩa. Ông Ba cho rằng: “Hành vi giết người của Nghĩa là quá rõ ràng, gây công phẫn trong người dân. Tôi đề nghị quý tòa loại bỏ Nghĩa ra khỏi đời sống xã hội vĩnh viễn”. Nghe tới những lời này của gia đình bị hại, bà Chuân sụp hẳn người xuống. Trước đó, không ít người cho rằng, bị cáo có thể nhận được “ân huệ” của nhà bị hại. Luật sư Nguyễn Anh Thơm, bào chữa cho bị cáo Nghĩa trước phiên xử cũng cho Ngoisao.net biết, hành vi của Nghĩa là rõ ràng nhưng ông hy vọng bố nạn nhân có thể xin giảm án cho bị cáo.
Tham dự phiên xử có ba luật sư bào chữa cho bị hại. Nghĩa từ chối những câu hỏi của hai luật sư bị hại vì “đã khai báo tại tòa, trước cơ quan điều tra”. Hội đồng xét xử đã nhắc nhở Nghĩa đây là phiên tòa, bị cáo cần phải trả lời những câu hỏi của những người tham gia xét xử.
Phần thẩm vấn diễn ra nhanh chóng. Đại diện Viện đã kết luận vụ án và với các tình tiết dã man mà Nghĩa gây ra cho Nguyễn Phương Linh, đề nghị y án sơ thẩm tử hình Nghĩa về hành vi giết người. Bà Chuân ngồi phía dưới, lúc này đã không giữ nổi bình tĩnh, nước mắt lăn dài trên gương mặt.
Trong phần bào chữa cho bị cáo, luật sư Ngô Ngọc Thủy vẫn giữ nguyên quan điểm xem xét lại về hành vi man rợ mà cơ quan công tố truy tố. Ông cũng giải thích và đưa ra những yếu tố thể hiện hành vi man rợ như trong điều luật. Luật sư Nguyễn Anh Thơm bào chữa tiếp theo cho bị cáo cũng mong hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ cho Nghĩa.
Nghĩa vẫn chưa biết bố đã mất. Nghĩa vẫn thỉnh thoảng quay xuống nhìn mẹ. Một cán bộ trại tạm giam đã cho phóng viên biết: “Linh tính thế nào đó, thời gian này, Nghĩa thường thơ thẩn, ít nói, và lúc nào cũng buồn rầu”. Chỉ đến khi luật sư bào chữa đề nghị hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, bố bị cáo mới qua đời vì tai nạn giao thông, Nghĩa mới biết tin bố mất. Nghĩa gục xuống khóc ròng… Bị cáo nói: "Từ khi vào trại tạm giam, bị cáo ăn không ngon, ngủ không yên và gần đây cũng có linh tính chẳng lành về bố. Bị cáo muốn kháng án, mong được hưởng sự khoan hồng". Khi được nói lời cuối cùng, Nghĩa quay xuống xin lỗi gia đình nạn nhân. Nghĩa tha thiết xin hội đồng xét xử cho một con đường sống và chỉ mong ước được trở về nhà thắp hương cho bố.
Trong thời gian đợi nghị án, Nghĩa quay xuống gọi mẹ, hai mẹ con nhạt nhòa nước mắt.
Chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử, bác toàn bộ kháng cáo của Nguyễn Đức Nghĩa và giữ nguyên án sơ thẩm. Nghĩa có 7 ngày để gửi đơn xin ân xá lên Chủ tịch nước, kể từ khi bản án được tuyên.