Chuyện lạ 2013-08-19 14:20:30

Mẹ và những đứa con mất trí....T_T


Lúc trước gia đình này ở gần nhà mình trên con hẻm 575 đường Thành Thái Quận 10 nè (đường Nguyễn Tri Phương cũ); số phận họ thật bất hạnh…..rất mong có đc sự tri ân của các nhà hảo tâm giúp đỡ họ….:
 
Bà Nguyễn Thị Dậu chăm sóc người con trai
Bà cụ nín thở, gập lưng bưng thau nước, vai vắt cái khăn mặt vào căn phòng sực mùi xú uế. “Nào, để mẹ lau cho, mặc quần vào đi”. Người đàn ông râu tóc bờm xờm quơ quào hai tay vào túi áo bà ba của bà tìm thuốc lá.
“Phải lau rửa sạch sẽ, quần áo tử tế thì mẹ cho, nhà có khách đấy…”. Cứ thế, bà cụ lặng lẽ vò khăn, chăm sóc ông con trai đã xấp xỉ 40 tuổi của mình.
Mẹ già ngồi chờ con
Dọn dẹp, mang bánh đa, cơm cháy, thuốc lá, những món khoái khẩu của con vào phòng, bà ra ngoài, ngồi bệt dưới đất lắng nghe những câu lảm nhảm không đầu không cuối. Bà chấm nước mắt: “Có hai đứa con trai, nuôi cho lớn khôn rồi bây giờ như thế cả”.
Nguyễn Văn Nhã, anh con trai lớn của bà, đi thanh niên xung phong vài tháng thì bị trả về vì có biểu hiện bất bình thường. Mỗi sáng dậy bà lại thấy con mình thêm khác lạ. Anh lơ ngơ ra vào, lâu lâu bỏ nhà đi lang thang. Từ chợ về, buông gánh đậu hũ khỏi vai bà lại tong tả đi tìm con.
Nhưng đã từng là một thanh niên có trí khôn nên có khi Nhã leo lên xe buýt, xe đò đi xa lắm, xa hơn những bước chân của bà. Có người quen nào tình cờ gặp họ lại đưa giúp về nhà. Bà nghẹn ngào: “Có khi nó bị chở về bằng xe heo. Lần này đã hai tháng, mưa thế này không biết nó trú vào đâu, đói ai cho ăn. Ở nhà có mẹ thì đỡ khổ…”. Bà tìm tấm ảnh: “Nó đấy, đẹp trai, cao ráo, được như người ta thì giờ tôi đã có cháu rồi”.
Phòng trong lại vọng ra tiếng ú ớ. Nguyễn Cao Toản là con trai thứ hai của bà, vừa lớn lên đã xung phong đi bộ đội. Khi cả nhà chưa kịp hoàn hồn về từng ngày mất thần trí của Nhã thì lại đến lượt Toản được đơn vị đưa về nhà. Toản không bỏ đi như Nhã nhưng mẹ già từ đấy phải xoay quanh anh như lo cho đứa bé sơ sinh.
Sáng, Nhã mang cái ca đi xin thuốc lá vòng quanh xóm, một dãy trẻ con theo sau chọc ghẹo. Bà cụ cũng đi quanh xóm, tìm hỏi, xin lỗi, bồi thường cho hàng xóm cái bánh mì, đĩa bánh ngọt mà Nhã thò tay vào. “Hồi bé chúng cũng thường nghịch phá, nhưng…”, bà bỏ lửng câu nói, mấy người thân ngồi bên cạnh im lặng. Những bà mẹ luôn tha thứ những trò nghịch phá, đợi ngày con mình lớn khôn, còn bà?
Con trai như thế, bà lại còn phải thắt ruột lần nữa mỗi khi nhìn thấy cô con gái út. Lớn lên gặp cảnh hai người anh mất trí, phải phụ với mẹ cơm nước, lau dọn mỗi ngày, cô gái rơi vào khủng hoảng. Gặp ai cô cũng ngẩn ngơ cười và kể về chuyện nhà mình bị ếm bùa, bỏ ngải. Mỗi ngày cô đều sang hàng xóm xin nước uống, trên tường nhà đầy những nét chữ nguệch ngoạc “Toản, đừng uống nước, có thuốc độc”…
Cứ thế đã gần 20 năm. Đã 84 tuổi, gánh rau đậu quá sức với đôi vai, bà thu dọn căn nhà nát, cố ngăn ra hai phòng cho thuê được 400.000đ/tháng, cuộc sống cả nhà trông nhờ vào đó. Chắt chiu, tằn tiện lắm mới có được gói xôi, điếu thuốc cho con mỗi ngày. “Tôi có cần đồng quà tấm bánh bao giờ, chỉ lo sau này chúng sẽ sống ra sao…”.
Bấy nhiêu chuyện nhưng chừng như bà vẫn còn có điều khó nói. Hỏi mãi, rồi mấy người hàng xóm gợi ý, thúc giục bà mới ngần ngại cho tôi xem mấy tấm ảnh ố vàng. Trong đó, một người đội khăn xếp, áo the đen dáng vẻ thật nghiêm trang, bà bảo đó là ông nội.
Lật mặt sau xem thì tôi thấy một cái tên thật quen thuộc: Nguyễn Thiện Thuật. Thì ra bà là Nguyễn Thị Dậu, cháu nội thủ lĩnh quân khởi nghĩa Bãi Sậy chống Pháp năm 1890… Bà đứng lên đi ra cửa, cái lưng một đời quang gánh cong gập xuống một lát mới nặng nhọc uốn thẳng lên được. “Tôi không dám nhắc đến tổ tiên, chỉ mong một điều duy nhất là thằng Nhã trở về…”.
Góc tối giữa phố
Chị Khổng Lệ Hòa và các con
Tôi không biết ở giữa thành phố này có mấy căn nhà giống như nhà chị Khổng Lệ Hòa. Giữa khu phố khang trang, sạch sẽ, giữa những nhà lầu cao tầng, xe cộ tấp nập, mấy mẹ con chị ở trong một cái chái nhà không điện, không nước. Đến thăm, không cần tìm hỏi tôi cũng nhận ra cái khoảng tối đen giữa những căn nhà sáng rực ánh điện, nhấp nháy đèn màu, là nhà chị.
Chị Hòa vừa đi xin nước của hàng xóm hứng đầy mấy cái lu để dọc một góc nhà, quây bao tải làm chỗ cho con gái tắm. Đốm sáng duy nhất là một cây nến cháy leo lét, hắt quầng sáng vàng vọt xuống trang nhật ký chị đang nắn nót viết. Khi sáng, lúc gặp chị ở sân tòa án, thất thần với quyết định phúc thẩm bắt buộc phải trả lại nhà cho chủ, tôi đã không thể tưởng tượng được căn nhà mà chị bảo là mồ hôi nước mắt của hai vợ chồng lại thê thảm đến thế.
Nhìn bên ngoài có thể thấy cái đà ngang đã nứt võng xuống như sắp gãy đôi. Nhìn bên trong không thấy gì ngoài sự bề bộn, rách nát. Ấy vậy mà căn nhà ấy chị cũng không được trú chân nữa, nhưng câu chuyện của chị lại còn buồn hơn cả căn nhà.
Chị Hòa có năm con thì cả năm chỉ có lớn mà không có khôn. Vừa rẽ vào ngõ đã gặp mấy người có dáng vẻ đàn ông, đàn bà ngồi ngẩn ngơ, lê la với mấy cái chai, mảnh nhựa nhặt được. Đấy là con của chị đang đợi mẹ về cho ăn, chờ mẹ về cho tắm. Ông chồng vì quá thất vọng với những núm ruột của mình đã bỏ vợ, bỏ con.
Một mình chị Hòa vào bệnh viện làm thuê, đi lượm ve chai, lên tận Nông trường Lê Minh Xuân nuôi vịt, trồng rau muống… để có tiền mua gạo. “Chỉ mong có được chén cơm, phải tự nguyện cắt điện, cắt nước vì không có tiền trả”. Những vất vả không thể trông đợi được vào con trai, những nỗi đau không san sẻ được cùng con gái, chị gửi vào nhật ký.
Những tâm sự thật đắng lòng: “Hằng với Ti gây lộn, làm khổ mẹ quá. Mình điên hay con mình điên? Khóc mãi, khóc suốt đêm cũng không hiểu được điều gì sẽ xảy đến ngày mai… Mình ăn, ở sao cũng được, chỉ cầu mong con mình có chén cơm, có chỗ chui ra chui vào tránh nắng mưa…”.
Khách đến, chị tìm một băng ghế đặt trước cửa nhà vì bên trong không có chỗ nào để ngồi. Chị kể về lần phải chạy xuôi ngược khắp xóm vay tiền để đăng tin “tìm trẻ lạc”. Đứa con trai út được mấy chú bộ đội phát hiện khi một chiếc xe tải cài số lùi, nó đang say sưa ngủ dưới gầm.
Rồi chị kể cho tôi nghe nỗi khổ tâm lớn nhất: “Ba đứa con trai, hai đứa con gái, tâm thì khờ mà thân thì lớn, chẳng dám đùm túm chúng trong góc nhà như khi còn nhỏ. Tôi phải năn nỉ một người bà con cho mấy đứa con trai ngủ nhờ, sợ lỡ xảy chuyện…”.
Cái chái nhà ấy gia đình chị đã ở hơn 30 năm nay, đã trả tiền cho chủ cũ nhưng vì chưa hoàn tất nên chưa được làm giấy tờ, vẫn phải chịu tiếng ở nhờ. Thành phố giải phóng, nhà thay đổi chủ, gia đình chị vẫn lầm lũi sống cho đến khi chủ mới hoàn tất thủ tục chủ quyền, bắt đầu đòi nhà. Xin hợp thức hóa thì đuối lý, muốn mua lại thì không tiền, ra tòa hai lần chị thất thểu ra về với vai trò người thua cuộc. Chị Hòa đã gửi rất nhiều những lá đơn xin một căn nhà tình thương, nhưng chị chỉ nhận lại nhiều quyết định cưỡng chế thi hành án.
Một trong những lá đơn của chị đã đến với chúng tôi. Chúng tôi đang suy nghĩ, biết thế, chị lại quay sang an ủi chúng tôi: “Thôi, thế nào chị cũng tìm được cách, như thuê một mảnh ruộng trồng rau nuôi mấy đứa. Mưa từ trên trời mưa xuống mà…”
 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)