Teen 24h 2014-09-24 05:13:09

Lũ người đánh hơi tri thức


Tapchienmong - Cho tới tận giây phút này, nỗi triền miên vô tận boăn khoăn về lý tưởng sống và nhận thức của những người xung quanh cứ bám riết, giày xéo tôi khôn nguôi. Tôi nhìn đâu cũng thấy sự tầm thường, chếnh choáng men say ảo tưởng. Người ta đâm ra hời hợt một cách đáng thương hoặc tỏ vẻ sâu sắc giả tạo một cách khôi hài.
 

 
Ảnh minh họa
 
 
Bấy lâu nay, tôi không tránh khỏi cảm thấy cô độc giữa một rừng người như thế. Sự bao dung trong tôi là chưa đủ lớn hay đã dần chết lịm. Nó khó có thể đồng cảm với những con người được trang bị đầy đủ cho cuộc sống nhưng lại lạc lõng với tri thức và lý tưởng.
 
Trong nỗi cô độc giữa biển người mông lung, nhiều đêm liền tôi hoảng hồn thức giấc, mình mẩy ướt đẫm mồ hôi. Tôi đã mơ về một lũ người. Một lũ người có biệt tài đánh hơi tri thức.
 
Bất cứ nơi đâu có một chủ đề, sự kiện mang hơi hướm trí thức, hàn lâm là lũ người đó xuất hiện. Lũ người đó lúc đầu dù có chút a dua nhưng cũng nho nhã bình luận, đưa ra những ý kiến đầy súc tích ngắn gọn. Thế nhưng mọi chuyện diễn biến một cách phức tạp khi bắt đầu có những ý kiến trái chiều. Lũ người đó bắt đầu lồng lộn lên. Lời qua tiếng lại, cái vô học bên trong trồi ra, đâm rách vỏ bọc trí thức bên ngoài, làm ô uế cái chủ đề, sự kiện hàn lâm đang được thảo luận.
 
Lũ người đó dần dần tăng lên một cách chóng mặt và trở thành đám đông. Chúng bắt đầu tập tành tự nhào nặn cho mình những sự kiện, chủ để có tính hàn lâm cao, càng khó hiểu càng tốt, thậm chí là tối nghĩa, vô nghĩa thì càng tốt hơn nữa. Nhưng hơn hết đỉnh cao nhào nặn của chúng là biến những thứ hết sức tầm thường, thậm chí là rác rưởi thành những tri thức có giá trị cao.
 
Đang cơn hoang mang, tôi lờ mờ nhìn thấy hình ảnh lễ ra mắt của một cuốn sách nào đó. Tiếng hò reo vỡ òa của đám đông khi thấy cuốn sách như lũ người mông muội biểu lộ vẻ tôn sùng khi nhìn vật tổ là cái cây, hốc đá và khúc xương…Những khái niệm vật tổ, thần tượng, cặn bã, Sorel, Pareto cứ đan xen, chồng chéo.
 
Tôi giật mình, thở dốc, chưng hửng nhìn bóng đêm, thấy cõi lòng nhẹ tênh một nỗi cô đơn khó hiểu. Lũ người kia, ngày nào đó, có trèo ra khỏi giấc mơ của tôi, bước vào cuộc sống này hay có chăng sự thật là một điều ngược lại?
 
Những đêm như thế, khi một mình thức tỉnh giữa đêm khuya trên căn gác xép nhỏ với một chồng sách, tôi lại bắt đầu suy tư về cuộc sống. Lũ người kia là có thật, không phải mơ. Chúng nhan nhản len lỏi từng góc báo, xuất hiện dày đặc trên các phương tiện truyền thông và đang dần làm chủ các trang diễn đàn, mạng xã hội.
 

 
Ảnh minh họa
 
Lũ người đó trước kia chỉ chăm chăm ăn mặc diêm dúa lượn lờ trong các trung tâm thương mại sang trọng, các cửa hàng thức ăn nhanh hiện đại, các quán cà phê độc lạ… nhưng nay chúng bắt đầu suy nghĩ về những thứ cao siêu hơn.
 
Trước kia, lũ người đó chỉ làm tôi bật cười khi chúng cố phô trương sự sành điệu, giàu có vật chất thì nay chúng bắt đầu phô trương sự hiểu biết tinh thần và trí tuệ. Chúng tập tành phát minh, chế tạo, đặc biệt là sáng tác…
 
Những sản phẩm chúng tạo ra mang tính biểu tượng tinh thần cao giống như vật tổ nhưng là vật tổ có hạn sử dụng. Lũ người này thay đổi vật tổ liên miên. Và giống như Hamvas Béla nói, khác với vật tổ của cá nhân có ý thức là quốc ca, lá cờ…, vật tổ của lũ người chưa có khả năng ý thức về bản chất và hiện thực của đời sống cộng đồng là thần tượng, là rác rưởi, là cặn bã.
 
Lũ người đó hiếm khi chú trọng đến giá trị cơ bản, bình thường của sự vật, hiện tượng. Mỗi sự vật, hiện tượng đối với chúng luôn có một giá trị khác và thường là giá trị ảo. Những cửa hàng thức ăn nhanh như KFC, Lotteria, Jollibee, Buger Kinh và McDonald’s…không phải là nơi tiện lợi dành cho những người thiếu thốn thời gian mà là nơi để thể hiện sự sành điệu và giàu có. Hội thảo, tọa đàm và sự kiện không phải là nơi là để chia sẻ, thảo luận mà là nơi để thiên hạ biết mình có hiểu biết, có tri thức…
 
Chúng không biết tri thức không phải là một thứ trang sức và nếu là trang sức, nó cũng không phải là thứ trang sức mà người ta có thể đeo. Nó nằm bên trong mỗi con người chứ không phải ở bên ngoài. Cái nó biểu lộ không phải là một mớ kiến thức giáo điều được lôi ra từ đâu đó (thường là từ google), không phải là một đống vỏ bọc bên ngoài của ngôn từ mà là sự tương tác giữa sự hiểu biết của ta và hệ thống kiến thức dưới dạng văn bản, lời nói. Nói một cách đơn giản, cái mà nó biểu lộ chính là ý nghĩa, cái ta dùng để thực hiện một hành động thiết thực, cụ thể nào đó. Tri thức tuyệt không phải là thứ để khoe mẽ, được sao chép từ google để mang đi lòe thiên hạ. Tri thức chưa trải qua sự suy xét của bản thân, chưa trở thành cái biết của mình thì nó vẫn là những lời nói, văn tự đơn thuần.
 
Lũ người đó trong trạng thái lù mù về tri thức vẫn lóe lên ảo tưởng về một thứ quyền lực vô hình, cái quyền lực khiến chúng mạnh mẽ, giàu sang, hiểu biết thực sự. Quyền lực đối với chúng là một công cụ ảo tưởng giải thoát chúng khỏi sự ngu muội của chính mình. Chúng ngoi lên, tách khỏi đám đông vô thức trở thành những cá nhân riêng biệt tưởng chừng có ý thức nhưng không, vẫn là vô thức.
 
Cá nhân vô thức và đám đông vô thức không có sự khác biệt. Mục đích tối thượng cuộc sống của chúng không là gì khác ngoài yếu tố vật chật và hào quang của vật chất. Khái niệm lý tưởng, cống hiến đối với chúng là một thứ gì đó mờ mịt xa xăm. Ngay cả khái niệm lao động cũng hoàn toàn xa lạ đối với chúng.
 
Không phải vật lộn để kiếm cái ăn, cái mặc và nuôi con cái như những lớp người khốn cùng vì tàn dư, hệ lụy kéo dài của chiến tranh, lũ người này may mắn hơn. Cái ăn, cái mặc cơ bản không còn là gánh nặng nhờ sự hy sinh của thế hệ trước, điển hình là cha và mẹ. Tưởng chừng như với điều kiện sống tốt hơn, lũ người này sẽ tận hưởng ý nghĩa của lao động với một niềm say mê cống hiến mà nhiều người thèm khát nhưng trái lại, nỗi ám ảnh vật chất hủy hoại chúng và chúng trở thành mối họa của dân tộc.
 
Nhu cầu lao động bị thay thế bởi nhu cầu hưởng thụ. Lao động trở nên méo mó biến thành một phương tiện để thỏa mãn nhu câu vật chất. Lũ người mông muội này không hứng thú với lao động, mà thích hưởng thụ và quên rằng con người khác với con vật là ở lao động. Lao động đối với chúng là sự buồn tẻ, chán ngắt và chỉ khi không phải lao động chúng mới cảm thấy con người thật của mình. Chúng cũng lao động nhưng không giống lao động trong thời kì khó khăn mưu sinh do hoàn cảnh bắt buộc mà giống bản năng tự nhiên của những con vật. Và đúng như những gì Marx đã nói, nhu cầu ăn, ở, mặc, sinh con đẻ cái…dĩ nhiên là những chức năng có tính người nhưng nếu đó là mục đích cuối cùng và duy nhất thì lại hoàn toàn mang tính con vật. Lũ người này dù muốn hay không khó mà tự biện cho hành động mang tính con vật này của mình.
 
 
Lũ người này rồi sẽ ra sao là điều mà trong khả năng có hạn của mình tôi chưa thể trả lời một cách xác đáng nhưng nếu như trong nỗ lực đọc và hiểu được ý nghĩa bài viết này, mong rằng người đọc hãy thực hiện một hành động cụ thể nào đó bởi vì ý nghĩa chỉ thực sự tồn tại khi được gắn liền với hành động. Lũ người đó sẽ như thế nào là phụ thuộc rất nhiều vào hành động của bạn đọc.
 
Nguồn Tạp chí Én mỏng (tapchienmong.com)
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)