Chuyện lạ 2012-12-24 06:05:25

Kỳ bí động quan tài


Những năm gần đây, trên đỉnh các vùng núi đá hoang vu ven bờ sông Mã, người dân phát hiện ra nhiều hang động bên trong chứa nhiều quan tài độc mộc của người xưa gây xôn xao. Những “hang ma” ấy có gì bí ấn? Chúng tôi tìm về xã Hồi Xuân (huyện Quan Hóa, Thanh Hoá) để tìm hiểu những bí ẩn này.

Toát mồ hôi vì giẫm phải đầu lâu

Ngược thành phố Thanh Hóa về phía tây khoảng 170 km, chúng tôi tìm về xã Hồi Xuân, nơi phát hiện ra “hang ma” nổi tiếng. Hỏi thăm mãi, chúng tôi cũng gặp được ông Lương Văn Tướng (bản Khó, xã Hồi Xuân) - người đầu tiên ở xã Hồi Xuân phát hiện ra “hang ma”.
Những chiếc hộp sọ còn nguyên vẹn ở “hang ma” (xã Hồi Xuân, Quan Hóa, Thanh Hóa)

Nghe chúng tôi đề nghị được đi khám phá “hang ma”, ông Tướng lắc đầu và im lặng. Trái với lo lắng của chúng tôi, ông Tướng cho biết không muốn chúng tôi đi lên “hang ma” bởi đường đi rất nguy hiểm. Sau một hồi thuyết phục, lại thấy quyết tâm của chúng tôi quá cao, ông Tướng cũng đồng ý làm người dẫn đường, nhưng ông yêu cầu phải nghỉ ngơi lấy sức, sáng mai mới lên đường được.

Tối hôm ấy, bên ché rượu cần, ông Tướng kể lại câu chuyện phát hiện hang ma đầy kịch tính: Trong một lần đi săn, do mải đuổi theo con mồi đã bị thương, ngược lên phía đỉnh núi, ông Tướng đã vô tình vấp phải những khúc gỗ mục. Khi khúc gỗ bị bật lên, ông giật thót mình khi thấy một chiếc đầu lâu người chết lăn lông lốc. Trước mắt ông Tướng ở phía cửa hang hiện lên những hình ảnh hết sức rùng rợn, với những cỗ quan tài mục nát nằm la liệt cùng một số mảnh gốm vỡ không còn rõ hình thù.
Về sau, người bản Khó đã đặt tên cho hang này tên gọi là “hang ma”.


Dò dẫm sâu vào trong hang từng bước trong ánh sáng mờ đục, ông Tướng lạnh toát người khi thấy xung quanh ngổn ngang những xương đùi, xương sườn… của người chết. Khi thấy bên trong có rất nhiều quan tài xếp dưới lòng hang, tâm trí ông như đờ đẫn vì như mình lạc đã vào thế giới địa phủ. Quá sợ hãi, quên cả con thú săn được, ôông Tướng chạy thục mạng về bản kể lại cho mọi người nghe nhưng người trong bản chẳng ai tin, còn bảo ông nói dóc.

Tức mình, ông phăm phăm dẫn mấy thanh niên trong bản trở lại hang để minh chứng cho lời mình nói. Đám thanh niên rất hăng hái, nhưng đứng dưới đỉnh núi nhìn thấy đường đi chót vót, phải leo lên những vách đá dựng đứng thì ai cũng lè lưỡi ái ngại. Nhưng hình như lúc đó, những chiếc quan tài vô chủ trên đỉnh núi đá kia có một thứ sức hút vô hình, cứ kéo chân mọi người về phía trước, mặc dù đường lên hang rất khó khăn. Khi đã tận mắt chứng kiến hàng chục bộ quan tài nằm ngay ngắn trong hang, mọi người mới tin vào phát hiện của ông Tướng và lũ lượt kéo lên xem.

Động quan tài

Từ chân núi ngước lên phía hang ma, chỉ thấy những mảng lèn đá xám bạc, đường lên hang ma như một vết nứt chạy ngoằn ngoèo theo những vách đá cheo leo rồi mất hút ở phía đỉnh. Lên lưng chừng lèn đá thì chỉ có cách bám vào những gờ đá mà leo, phía dưới là vực thẳm hun hút, lởm chởm đá tai mèo sắc nhọn. Muốn lên đến cửa hang, còn phải vượt một “cửa ải” cuối cùng là một vách núi dựng đứng cao chừng 10m, lởm chởm những cạnh đá sắc nhọn. Phải mất hai tiếng rưỡi leo núi đá trong cảm giác sợ lạnh cả sống lưng, chúng tôi mới tiếp cận được tới hang ma.

Hang ma có không gian khá rộng ăn sâu vào lòng núi, trong lòng hang có gần ba chục bộ quan tài độc mộc nằm câm lặng như đang chờ sự khám phá của con người. Những bộ áo quan có đầy đủ các kích cỡ khác nhau, ngoài những cỗ áo quan làm cho người lớn dài khoảng 2,4m, phần thân rộng 30cm còn có 3 - 4 bộ áo quan trẻ em với kích cỡ dài chừng 1m, lòng khoét rỗng, phần đầu rộng khoảng 30cm, chân rộng 20cm. Quan sát những bộ áo quan này, chúng tôi thấy kỳ lạ là một số bộ gần như còn nguyên vẹn, lòng và thân đã chuyển màu vàng thẫm cho dù có thể chúng đã nằm đây từ vài trăm năm.


Những cỗ quan tài bằng thân cây cổ thụ khoét rỗng ngổn ngang trong “hang ma”

Đi sâu vào phía trong, không khí càng trở nên lạnh lẽo, ngột ngạt, bởi mùi ẩm mốc, phía cuối hang, ánh sáng của chiếc đèn pin chúng tôi mang theo như một chấm nhỏ giữa không gian mênh mông. Một hố đen sâu hoắm, ăn thẳng xuống lòng núi đá hiện ra mờ ảo. Chúng tôi lấy hòn đá cuội ném xuống rồi dỏng tai nghe ngóng nhưng đáp lại chỉ có sự im lặng, mất hút. “Đây là phần hang động ăn sâu xuống dưới thân núi nhưng người trong bản đến nay chưa có ai dám đi vào khám phá, nhiều khả năng bên dưới có nước”, ông Tướng dẫn đường với chúng tôi kể.

Ngay sau khi Hang Ma được phát lộ, nhiều câu hỏi đã được đặt ra: Những cỗ quan tài kia có tự bao giờ? Chủ nhân của nó là ai? Vì sao nó lại đặt ở tận đỉnh núi đá dựng đứng cao chót vót? Và làm thế nào, người xưa có thể đưa những chiếc quan tài bằng gỗ ước nặng hàng tấn lên những vách đá thẳng đứng có độ cao hàng trăm mét? Đã có nhiều giả thiết được đưa ra, nhưng có vẻ đến nay vẫn chưa có đáp án thỏa đáng.

Theo những người cao tuổi ở bản Khó (xã Hồi Xuân), họ cũng chỉ được nghe ông bà kể lại rằng, ngày xưa ở khu vực này có rất nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Cùng kiếm ăn trên mảnh đất này nhưng chôn người chết trong hang như thế này thì chưa nghe nói đến, cũng không thấy ai nói trên đỉnh núi có hang chứa quan tài và xương người. Vậy dân tộc nào là chủ nhân của những bộ quan tài kia?

Dấu tích của tục “động táng”?

Đã có nhiều giả thuyết của nhiều nhà nghiên cứu được đặt ra. Cụ thể: Hang ma là dấu tích còn sót lại của một nghi thức tôn giáo nào đó, hoặc có thể là nơi an táng người chết, cũng có thể là nơi cư trú của một tộc người cổ xưa nào đó ở trong hang đá… Tuy nhiên, với những gì còn lại, dường như giả thiết hang ma là nơi lưu lại dấu tích của một phong tục cổ xưa, đó là tục “động táng”.

Theo các tài liệu về lịch sử văn hóa phương Đông, “động táng”, là hình thức an táng người chết ở trong các hang đá, có thể là đưa quan tài người chết hoặc đưa xác chết vào những hang động trên vách núi cao. Hình thức an táng này khá đối phổ biến của nhiều tộc người ở vùng Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) và châu Mỹ (của người Anh - điêng da đỏ có nguồn gốc tổ tiên từ Châu Á).

Theo đó, khi trong bản có người qua đời, trai bản lên rừng đốn cây về làm áo quan, cây được chọn phải là gỗ tốt, dẻo, không bị nứt do bị tác động của điều kiện bên ngoài. Phần thân cây được xẻ làm hai phần và đục rỗng phần ruột. Cùng lúc ấy các thủ tục truyền thống đưa người chết về thế giới bên kia được thầy mo và trưởng bản hoàn thành, dân bản cho xác chết vào thân gỗ rỗng, đậy nắp áo quan và chốt lại đưa lên các hang núi đã được chọn sẵn.
 
Khởi thủy, người tiền sử sống trong các hang đá. Hang đá được đồng nhất với tử cung của người đàn bà - nơi con người sinh ra, và để được tái sinh, người chết cần trở về đó. Theo quan niệm của nhiều tộc người, hang núi cũng được coi là nơi nối đất với trời, nơi gần trời nhất nên cũng là nơi tốt nhất để chôn người chết. Hang núi chôn người chết có thể là hang tự nhiên hoặc hang nhân tạo (biến thể thành dạng quan, quách, lăng tẩm đá, quan tài đá, chum đá…).

Ngoài ra, còn có thể tìm thấy một biến thể khác của tục “động táng”, là việc chôn người chết trong các ngôi mộ xếp đá ở quanh (mộ của người Mông) và các khu mộ có chôn cột đá (mộ của người Mường). 
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)