[size=2]Còng lưng trả nợ ủy ban[/size]
"… Các thứ thuế kể chi cho xiết; Thuế xí kia mới thiệt lạ lùng; Làm cho thập thất, cửu không; Làm cho đau đớn khốn cùng không thôi…".
Những vần thơ đau đớn ấy là của nhà yêu nước Phan Bội Châu gần trăm năm trước, nói về sự bóc lột tàn tệ của thực dân, phong kiến.
Ở xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá, mấy năm nay, chính quyền địa phương cũng tiến hành thu khoản thu kỳ quặc đó.
Tuy nhiên, khoản thu này đã được đổi tên thành "Tạm thu vệ sinh môi trường" hay "Phạt vệ sinh nông thôn". Đối tượng bị tạm thu, bị phạt là những hộ gia đình không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn…
Nợ tiền xã, phải chịu lãi xuất 20%/năm
Trở lại trường hợp của gia đình chị Ngô Thị Sáng ở thôn Thắng Hùng. Nhà có 10 nhân khẩu nên cái khoản "tạm thu" này với gia đình chị vô cùng… nặng ký.
Chị Sáng đưa cho chúng tôi xem cuốn sổ theo dõi đóng góp của gia đình mình. Theo đó, trung bình mỗi năm, gia đình chị phải thực hiện trên 20 khoản đóng góp và số tiền phải nộp là trên 1 triệu đồng.
Để thoát án phạt, chị Sáng đã phải vay mượn để làm “công trình thế kỷ” này.
Với một gia đình còn thiếu ăn, phải vay mượn để sống qua ngày như gia đình chị thì hoàn thành các khoản đóng góp trên còn khó hơn cả… hái sao trên trời.
Bởi thế, nhiều năm nay, gia đình chị thành con nợ của xã. Không có tiền để đóng cũng không gì để "quy trữ tài sản" nên xã đành cho gia đình chị nợ, nhưng phải chịu lãi suất 20%/năm.
Lãi suất ấy, có lẽ chỉ những người cho vay nặng lãi mới áp dụng. Do vậy, số tiền nợ đọng của gia đình chị lãi mẹ đẻ lãi con, "lớn nhanh" như thổi.
Cụ thể, năm 2004, gia đình chị phải đóng góp số tiền là 624 nghìn đồng, cộng với số tiền nợ cũ đã tính lãi là 544 nghìn đồng, tổng cộng chị phải nộp 1,168 triệu đồng.
Năm ấy, thiếu ăn, gia đình chị chỉ nộp được chút ít, còn đâu nợ lại.
Sang đến năm 2005, số tiền gia đình phải nộp 1,044 triệu đồng, cộng với nợ năm trước và khoản lãi là gần 300 nghìn (thể hiện trong sổ), tổng cộng chị phải nộp gần 2,5 triệu đồng.
Không muốn khoản nợ của mình ngày một lớn dần thêm, chị đã cố gắng vay mượn để đóng, nhưng vẫn còn nợ lại 1,963 triệu đồng.
Sang đến năm 2006, khoản nợ trên, cùng với các khoản đóng góp mới thì số tiền mà gia đình chị phải nộp 3,8 triệu đồng.
Sang năm 2007, với khoản đóng góp là hơn 1 triệu đồng, cộng nợ cũ và khoản lãi là 672 nghìn đồng, gia đình chị phải gánh trên lưng khoản nợ lên trên 5,2 triệu đồng.
Quá hốt hoảng với số nợ khổng lồ, năm ngoái hễ kiếm được chút tiền nào là chị lại vội vàng lên xã nộp, khi thì 200 nghìn, khi thì 700 nghìn.
Tuy nhiên, gắng lắm thì cũng chỉ nộp được gần 2 triệu đồng. Bởi thế, năm 2008, nợ cũ cùng những khoản đóng góp mới, gia đình chị vẫn nợ đến hơn 5,5 triệu đồng.
Nếu không hoàn thành khoản đóng góp này thì năm sau, số lãi gia đình chị phải đóng thêm vào là 1,1 triệu đồng. Một con số kỷ lục ở nơi quê nghèo này!
Kinh hoàng với khoản lãi trên, chị Sáng bảo, đang tính vay ngân hàng để trả nợ, bởi chị biết, lãi suất của ngân hàng sẽ thấp hơn nhiều!
"Nỗi buồn khó nói"
Trong số những khoản đóng góp hàng năm thì khoản phạt vệ sinh môi trường chiếm phần nhiều.
Căn cứ vào cuốn sổ đóng góp của gia đình chị Sáng thì khoản tạm thu này được bắt đầu từ năm 2005, mỗi khẩu là 20 nghìn đồng, bất kể là người lớn hay đứa trẻ còn đang ẵm ngửa.
Sang năm 2006, khoản thu này đã tăng lên 30 nghìn đồng/khẩu, nhà chị phải đóng 300 nghìn đồng.
Nhiều người dân đã đem sổ đóng góp đến tố khổ khoản phạt… chuồng tiêu.
Năm 2007, không biết được thuyên giảm bởi lý do gì, khoản đóng góp này chỉ còn 240 nghìn đồng.
Năm 2008, khoản thu này lại tăng đột biến là 440 nghìn đồng. Như vậy, chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2008, nhà chị phải nộp cả thảy 1,180 triệu đồng tiền phạt vệ sinh.
Nhìn trong sổ đóng góp, thấy khoản phạt trên mỗi lúc một tăng, chị Sáng xót lắm. Thế nhưng, để thoát "cái án" này, chỉ còn cách làm nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn mà xã yêu cầu.
Nghĩ thế, nên sau lần bị phạt vừa rồi, gia đình chị đã bóp mồm bóp miệng để cái "công trình thế kỷ" được ra đời như người ta mong muốn. Hơn triệu bạc đã đi tong! Để có đủ số tiền ấy, vợ chồng chị đã phải lạy lục vay mượn khắp nơi.
Không may mắn như nhà chị Sáng, nhà bà Nguyễn Thị Xuyên (thôn Thắng Hùng) đến giờ vẫn chưa có cái "người trong muốn ra, người ngoài muốn vào" ấy.
Nhà bà có 5 khẩu, từ năm 2005 đến nay, riêng cái khoản "đầu ra" này, nhà bà đã bị xã thu tới gần 700 nghìn đồng.
Của khó người khôn, mất một đồng không đáng mất là xót xa, là tiếc đứt gan đứt ruột. Thế nhưng, bởi nghèo, bà đành bất lực với đời.
Chồng bà mấy năm nay đau ốm luôn, đi biển thuê cho người ta bữa đực bữa cái, nên lo cái ăn hàng ngày cũng đủ rộc người.
Bởi thế, trước đây, cứ mỗi lần bị phạt là một lần gia đình bà lại hừng hực quyết tâm kiến thiết "ngôi nhà hạnh phúc" đó, nhưng chẳng kiếm đâu ra tiền nên lại đành chấp nhận ngồi im chịu trận.
Ở Hải Lộc, có rất nhiều gia đình phải chịu khoản phạt trên. Có những gia đình "dính" phạt đến 3 - 4 bận và đến bây giờ "cái án" ấy vẫn còn tiếp tục chình ình trước mặt.
Mà chuyện phạt này, chính quyền làm nghiêm túc lắm! Hàng năm, đến đợt kiểm tra, cán bộ xã, thôn đến từng nhà, lần ra từng góc ruộng, bờ ao, xét soi cẩn thận thì làm sao "láo" được!
Dân quê, kiếm được một đồng tiền thì phải đánh đổi không biết bao nhiêu mồ hôi công sức.
Bởi thế, ai chẳng nâng niu đồng tiền, ai lại muốn mỗi năm mất đi vài trăm nghìn cho cái chuyện cỏn con ấy.
Họ liên tiếp bị phạt là bởi họ không thể đào đâu ra tiền để xây nhà vệ sinh theo đúng tiêu chuẩn.
Khi tìm hiểu cái chuyện tế nhị này, có người đã chua chát nói với tôi rằng: "Đấy, anh xem, cảnh nhà tôi nó thế! Ăn còn chẳng có thì lấy gì mà xây nhà vệ sinh! Mà sao ông trời oái oăm thế! Đã cho người ta ăn lại còn bắt người ta… Nếu không có cái khoản ấy thì làm sao nhà tôi bị phạt!".
Đúng thật, oái oăm! Oái oăm hết mức!