
Tôi sinh ra hai năm sau ngày thống nhất và học tại TP.HCM đến khitốt nghiệp đại học Kiến trúc. Sau đó, với một chút may mắn, tôi tiếp tục chương trình thạc sĩ tại đại học UNSW – Sydney (Úc). Với tôi, mỗi khoảnh khắc trong thời gian học tập đều thú vị và đầy những trải nghiệm.
Tự học kiểu Úc
Trong suốt quá trình học từ phổ thông đến đại học, tôi không hoàn toàn thực hiện việc tự học đúng nghĩa. Thời trung học, thầy đọc, trò chép. Những mẫu suy nghĩ khá rập khuôn. Những mẫu chuẩn đã được đưa ra để tham khảo. Những ranh giới khó vượt qua nếu như bạn muốn đảm bảo an toàn cho tương lai bằng cấp.
Thời kỳ tôi học đại học Kiến trúc, môi trường giảng đường có phần thoáng hơn nhưng những khuôn mẫu và cách dạy – học thụ động vẫn hiện diện. Thực sự lúc ấy tôi chỉ đam mê một số môn học nhất định và… âm nhạc. Điều tôi thừa hưởng được từ truyền thống hiếu học của gia đình, có lẽ đó là phương pháp tiếp cận và đưa ra giải pháp cho một vấn đề. Đối với một vấn đề hay môn học nào đó, tôi luôn ghi nhớ và hiểu rõ những điều cốt lõi, để không bị mất căn bản.
Một chân trời mới mở ra với tôi khi thực hiện khoá học thạc sĩ tại UNSW – Sydney. Chính tại môi trường này, việc học hoàn toàn khác. Sinh viên chủ động tham gia sâu vào quá trình tư duy và phải tự thân vận động để “sinh tồn”. Các giáo sư đôi khi chỉ khởi xướng vấn đề và kích hoạt các quá trình tư duy. Tôi vẫn nhớ câu nói của một vị giáo sư trong buổi gặp đầu tiên: “Các bạn không học được gì nhiều từ tôi đâu, mà từ chính những người bạn xung quanh đó”. Toàn bộ thời gian này là một trải nghiệm tôi hoàn toàn thích thú và bỗng nhận thấy những khả năng cũng như những kỹ năng mà trước giờ tôi không nghĩ mình có được. Nó khơi dậy những năng lực tiềm ẩn. Và tôi lột xác.
Giải pháp là câu trả lời
Học là một sự tương tác toàn diện của các kỹ năng và giác quan, do đó chúng ta học và tương tác với bất kỳ cá thể nào. Chúng ta học từ bạn bè, từ đồng nghiệp, chúng ta học từ các kinh nghiệm trong quá khứ được ghi chép lại thành sách, học từ sự tương tác với thực tế. Đó là một việc làm không có giới hạn nào cả. Tôi quan niệm, càng tích luỹ và hệ thống được nhiều thông tin, tôi càng có khả năng đưa ra giải pháp cho các vấn đề mình sẽ gặp tại một thời điểm khác.
Đối với tôi, học là một quá trình diễn ra suốt cuộc đời của một con người, dù dưới hình thức này hay hình thức khác. Bằng cấp chỉ là một phần của các giới hạn xã hội do con người đặt ra, nhưng không phải là điểm kết thúc của quá trình tiến hoá trí tuệ.
Do đó việc học và tự học phải có sự đam mê, thích thú cho dù trong suốt quá trình phát triển của con người, đôi khi chúng ta sẽ phải học nhiều cái ngoài sở thích vì nhiều lý do. Tôi quan niệm hãy học những gì mình đam mê và cảm thấy phù hợp với khả năng của mình nhất. Học như là chơi, nhưng chơi một cách đam mê, nghiêm túc, trung thực và hết mình. Tôi tin rằng, khi làm đúng với đam mê và khả năng của mình, mọi người chúng ta sẽ đạt được những ước mơ.
Theo tôi, trẻ thơ trong khoảng năm năm đầu đời là những bộ óc kỳ diệu. Bé luôn khát khao tìm hiểu những điều mới lạ, luôn tò mò và luôn khám phá thế giới bằng các giác quan khác nhau. Bé không biết ngại ngùng khi đặt ra những câu hỏi hoặc nêu lên những suy nghĩ. Đó là những bản năng tuyệt vời của con người: tò mò và khám phá để thoả mãn cơn khát thông tin.
Sau này khi lớn hơn, vì nhiều lý do khác nhau một số lớn trở nên ngại ngùng hơn. Đây chính là điều cản trở đối với người trưởng thành. Họ ngại hỏi, ngại tìm hiểu. Sự giấu dốt cũng sinh ra từ đấy. Vì vậy cho đến ngày nay tôi vẫn luôn cố gắng giữ được sự tò mò và khám phá theo cách của trẻ thơ. Nó làm cho tư duy tôi luôn mới và kích thích sáng tạo.
Mỗi người có cách thức học khác nhau. Tốc độ học của mỗi người cũng khác nhau. Tôi nghĩ cách nào cũng được, miễn sao đó là một việc đầy thú vị, đam mê và phù hợp với khả năng của từng người.
ThS. KTS Trần Thái Nguyên