Tin tức - pháp luật 2015-04-20 12:32:11

[ Hà Nội ] Hình ảnh phản cảm của người Việt ở sự kiện miễn phí. Khi miếng cho là miếng nhục


Cướp áo mưa, chen lấn ăn buffet, bất chấp nguy hiểm trèo rào sắt vào hồ bơi… là những hình ảnh không đẹp mắt nhưng vẫn lặp đi lặp lại mỗi khi có các sự kiện miễn phí diễn ra.


Sáng 19/4/2015, toàn bộ khu vực vui chơi, bơi lội trong Công viên Nước Hồ Tây (Hà Nội) rơi vào cảnh quá tải khi cửa được mở miễn phí trong khoảng 2 giờ đồng hồ.

Trong cái nóng 35 độ C của Hà Nội, nhiều người bất chấp nguy hiểm, trèo qua tường rào sắt nhọn cao trên 2 m để vào trong. Nhiều cô gái dù mặc váy và bikini cũng không ngần ngại trèo rào khiến hình ảnh phản cảm đập ngay vào mắt người lớn lẫn trẻ nhỏ.

Thậm chí có nhiều phụ huynh còn bế cả trẻ em vượt rào để vào chơi trong công viên nước miễn phí. Bên trong, không ít cô gái bị trêu chọc, thậm chí, sàm sỡ, quấy rối.

Hàng rào sắt nhọn cao hơn 2 m không làm khó được khách, kể cả nữ giới.
Hàng rào sắt nhọn cao hơn 2 m tại Công viên nước Hồ Tây không làm khó được khách, kể cả nữ giới. Ảnh: Anh Tuấn.
Bà Nghiêm Thị Hồng Hạnh, Phó tổng giám đốc Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) cho biết, khoảng 20.000 người mong muốn được vào công viên nước để tắm, bơi lội. Trong khi đó, khu vực công viên nước chỉ chứa được 8.000 người.

Theo bà Hạnh do lực lượng bảo vệ tại công viên nước quá mỏng nên không đủ sức can thiệp hành vi của những thanh niên quá khích.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ bố trí 60 bảo vệ, bao gồm cả an ninh khu vực hàng rào và kiểm soát vé. Phối hợp với công an phường và dân quân tự vệ khu vực nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối, không để xảy ra câu chuyện như vậy nữa”, Phó tổng giám đốc Công viên nước Hồ Tây cho biết.

Chen lấn ăn sushi miễn phí. Ảnh: Sio sushi.
Hàng nghìn người chen lấn nhau ăn sushi miễn phí gây ách tắc giao thông tại phố Đoàn Trần Nghiệp, Hà Nội. Ảnh: Sio sushi.
24/10/2013, hàng nghìn người chen lấn để được ăn buffet Nhật Bản miễn phí tại một cửa hàng sushi mới khai trương trên phố Đoàn Trần Nghiệp (Hà Nội). Càng gần giờ ăn, số lượng người đến càng đông, tràn xuống xuống lòng đường. Một số người thậm chí chen lấn, xô đẩy chỉ với mong muốn giành được một phần ăn.

Nhân viên cửa hàng đã phải làm việc hết công suất song cũng không thấm vào đâu so với lượng khách ghé đến. Với số lượng phần ăn giới hạn (sáng và chiều là 180, tối là 280) trong khi lượng khách đến cả nghìn, cửa hàng rơi vào tình trạng quá tải.

Quản lý tại cửa hàng cho biết, mặc dù cửa hàng đã chuẩn bị dư ra đến cả nghìn suất ăn, trưa phải đi mua thêm nguyên liệu nhưng cũng chỉ “cầm cự” được đến chiều, buổi tối thì hết đồ ăn hoàn toàn. Cảnh tượng chen lấn, xô đẩy lẫn nhau diễn ra hàng giờ liền khiến giao thông tại khu vực này tắc nghẽn.

Cướp áo mưa miễn phí
Nhiều người đã trèo lên cả sân khấu để cướp áo mưa từ tình nguyện viên.
Chiều 12/9/2013, nhân viên Đại sứ quán Hà Lan đã rất hoảng sợ khi bị “cướp áo mưa” trong chương trình phát áo mưa miễn phí cho người qua đường tổ chức tại cửa UBND quận Ba Đình (Hà Nội). Nội dung của sự kiện “Đừng để bị ướt mưa!" bao gồm hoạt động trao tặng 3.000 chiếc áo mưa miễn phí cho người qua đường.

Khi nhân viên Đại sứ quán chưa kịp nói xong những lời chúc tốt đẹp, cảnh tượng khu vực đã nhanh chóng trở nên hỗn loạn. Hàng trăm người tranh giành nhau, ai cũng cố gắng lấy nhiều nhất những món quà miễn phí về tay mình. Có người còn trèo lên cả sân khấu để giật từ tay các tình nguyện viên và nhân viên Đại sứ quán Hà Lan.

Chỉ sau 35 phút, 3.000 chiếc áo mưa đã được lấy sạch.

Tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Phó viện trưởng viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội cho biết, hành động của đám đông thường vô thức và chủ yếu là a dua.

Những diễn biến tâm lý điển hình của những người trong đám đông đó có thể bắt đầu từ sự lây lan cảm xúc một cách vô thức (đập phá để hả giận, lấy được đồ vật miễn phí vì nếu mình không lấy thì người khác cũng lấy) và đi kèm với nó là cảm giác tự do - không phải chịu trách nhiệm (nếu hậu quả xấu xảy ra).

"Hội chứng đám đông xấu sẽ không xảy ra, nếu bối cảnh xã hội không tạo điều kiện cho nó. Bối cảnh xã hội đó nuôi dưỡng cái tâm lý phá phách vô thức trong đám đông và chỉ cần một cớ gì đó để nó bùng nổ và lây lan", bà Hồng nói.

Cũng theo nữ tiến sĩ, sâu xa hơn, khi một người ở trong một đám đông, họ cảm thấy mình không phải chịu trách nhiệm về hành vi xấu của mình. Nói cách khác, đạo đức xã hội và pháp luật đã mất đi vai trò giáo dục và phán xét của chúng. Hệ lụy từ hội chứng đám đông có thể rất tiêu cực, như chúng ta đã chứng kiến.
Chủ đề đã bị khoá hoặc bạn không đủ quyền thực hiện tác vụ này

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)