Tâm sự - chia sẻ 2011-07-02 05:44:10

Đau vì con không biết lễ nghĩa... ---- Suy nghĩ 1 chút cả nhà ơi


[justify]“Sao, tối về muộn hả? Thế thôi, không đợi đâu, ăn cơm trước đây…”, lời thoại cộc lốc này là của một thiếu niên 13 tuổi trò chuyện với bố qua điện thoại.

Hiện nay, có không ít trẻ thông minh, học giỏi, đứng trước lớp thuyết trình không vấp một chữ, thế mà việc tối thiểu nhất là lễ phép, gọi dạ, bảo vâng với bố mẹ, người lớn lại bị quên lãng.

Thần tài hỗn láo

Bạn bè đến nhà Bi Trung (13 tuổi) đều “chết ngất” trước cách nói chuyện của cậu này với bố mẹ. Các bạn Trung tới nhà, cất tiếng chào bố mẹ, Trung phẩy tay: “Không phải chào, ở nhà tớ không ai phải chào ai cả”.

Ngồi một chơi với bạn một lúc, Trung quay ra lớn tiếng: “Hôm nay đi ăn sinh nhật, không ăn cơm đâu, đừng có nấu để rồi thừa đổ thức ăn đi!”, mẹ của Trung nghe thấy thế, vội nói: “Con và các bạn đi sinh nhật sớm, mẹ nấu phở nhé?”. “Khỏi cần, có đói bụng đâu mà nấu. Toàn lo hão!” - Trung đáp.

Trung còn sẵn sàng văng tục, gọi bố mẹ bằng lão già lẩm cẩm, hay mụ già lắm điều.

Trung là con một, từ nhỏ được bố mẹ hết sức cưng chiều vì họ nghe thầy bói phán “thằng bé là “thần tài” của gia đình, thế nên không được quát mắng, phải chiều “thần tài” thì mới nhiều lộc”. Thế nên, sự cưng chiều của bố mẹ đối với “thần tài” được nhân lên gấp bội. Và dĩ nhiên, càng được cưng chiều, Trung càng tỏ ra trịnh thượng, xấc xược, lếu láo. “Pha nước chanh nhạt như nước ốc, ai mà uống được? Uống thế để đi bệnh viện cấp cứu à? Đi pha lại đi!” - Trung lừ mắt với mẹ trước mặt đám bạn mình.

Hiếm khi nghe được câu “Dạ” của “thần tài” lúc mẹ gọi hay nhờ việc gì, mà thường là “Gì? Gọi gì mà gọi lắm thế!”. Bố mẹ Trung phiền lòng lắm. Xấu hổ nhất là những lúc khách đến nhà, mẹ vừa đon đả gọi xuống chào khách thì cậu con trai làm ngay câu “Khách với khứa! Đã nấu cơm chưa? Đói rã họng rồi đấy!” rồi quay vào phòng. Nhiều lúc, bố mẹ Trung muốn uốn nắn cách ăn nói, xưng hô của con, nhưng lại sợ “thần tài” dỗi hờn thì mất lộc nên lại thôi.

Nhói lòng[/justify]
Ảnh minh họa.

[justify]Không chỉ ở nhà, Trung còn mang cả cái thói xấc xược, vô lễ ra ngoài xã hội. Ông Hòa - hàng xóm của Trung đã vài lần bị “thần tài” quát mắng. Có lần, tại cầu thang máy, ông Hòa vô tình ấn nút làm cửa cầu thang va vào chân Trung. Ngay lập tức, Trung xộc vào thang máy tuôn ra một tràng: “Ông mù à mà không thấy có người đi vào thang máy?. Nếu già rồi thì ở nhà, ra ngoài làm gì để làm hại người khác”. Ông Hòa quay sang nhẹ nhàng dạy bảo: “Cháu ăn nói phải biết lễ phép, kính trên nhường dưới”. Ông Hòa vừa dứt lời, Trung bật lại: “Ai họ hàng, cháu chắt với nhà ông?”.

Ông Hòa buồn bã trước lời nói của đứa cháu hàng xóm liền về kể lại với bố mẹ Trung. Nhưng bố mẹ “cậu ấm” tỉnh bơ: “Ông ơi, trẻ bây giờ đứa nào chẳng thế. Bọn cháu là bố mẹ, nó còn chẳng nói lễ phép nữa là người ngoài. Thôi, bỏ qua ông ạ!”.

Khái niệm lễ phép gọi dạ, bảo vâng, gặp người lớn cứ phải khoanh tay đứng chào, hay pha nước tiếp chuyện rồi bưng bê cơm nước dường như là chuyện viễn tưởng với một số teen ngày nay. Mặc dù, nhiều trẻ được bố mẹ cho ăn học đầy đủ, nhưng nói lời “xin lỗi”, “cảm ơn” đối với chúng lại là một việc… quá thừa.

Bà Phương Linh (60 tuổi) kể về thói hỗn hào, vô cảm của trẻ. Có lần, bà đang đi bộ từ chợ về thì bị một cô bé chừng 15 tuổi, vừa đi xe đạp, vừa nhắn tin điện thoại đâm vào khiến bà ngã nhoài. Thấy bà Linh ngã, cô bé này chẳng những nói lời xin lỗi, đỡ bà đứng dậy lại còn vênh mặt lên quát: “Bà đi đứng không biết tránh à, may còn bong gân chứ chết ra đó, ai mà đền được”. Dứt câu, cô bé vùng vằng dắt xe bỏ lại bà với chiếc chân đau và chiếc làn thức ăn vãi tung tóe. Mắt bà Linh cay xè, một phần vì chiếc chân bong gân, phần khác bà thấy đau trước những gì đã diễn ra.

Bà Linh bức xúc: “Thật không thể hiểu được một số trẻ có ăn học đàng hoàng mà sao lại có thái độ và lời nói xấc xược, hỗn lão thế. Tôi về nhà cứ buồn mãi về chuyện này”.

Lại có chuyện làm anh Trương Thông (ở Định Công, Hà Nội) chết sững. Số là, một lần đi xe buýt, thấy hai cô bé trung học phải đứng vì xe quá đông người nên anh Thông đã đứng dậy nhường ghế. Hai cô bé vô tư ngồi mà chẳng có lời cảm ơn. Tệ hơn, anh Thông còn vô tình nghe cuộc trò chuyện của hai cô bé đáng tuổi con mình: “Bây giờ nhiều lão già dại gái, sĩ diện đểu thế nhỉ”. Rồi hai cô bé rinh rích cười khiến anh Thông giận tím tái.

Con ngoan nhờ gương bố mẹ

Lời nói, ứng xử thể hiện tích cách con người. Có những thói quen xấu sẽ ăn sâu vào tính cách của trẻ nếu các ông bố, bà mẹ không kịp thời uốn nắn. Với những trẻ chưa ngoan, lễ phép, dù không nặng lời với trẻ, nhưng phụ huynh cũng cần có thái độ dứt khoát khi trẻ tỏ ra không lễ phép. Khi trẻ ngoan thì được khen, còn khi nói trống không với người lớn hoặc không biết nói cảm ơn khi được tặng món đồ gì đó, cần có hình phạt. Thái độ nhẹ nhàng nhưng nghiêm khắc sẽ giúp trẻ biết xử sự lễ phép hơn.

Cuối cùng, muốn trẻ có thái độ lễ phép trước hết cha mẹ cần làm gương cho con. Trẻ quan sát và học hỏi từ cha mẹ rất nhiều thứ, vì thế cho nên phụ huynh cần nghiêm túc làm hình mẫu để trẻ noi theo.

[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)